Siết quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Quỳnh Trang - 10/02/2020 19:56 (GMT+7)

Để kìm sự phát triển "nóng", doanh nghiệp có thể bị giới hạn lượng chào bán trái phiếu riêng lẻ, thời gian giữa các đợt phát hành và lãi suất.

VNF
Siết quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Gần đây, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ vay vốn ngân hàng sang phát hành trái phiếu riêng lẻ, bằng nhiều hình thức. Trong đó, theo Bộ Tài chính, có cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho các mục tiêu đặc biệt của doanh nghiệp.

Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá sẽ dẫn đến rủi ro cho họ.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành). Trong đó, 11 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo dự thảo bổ sung Nghị định 163 trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không quá ba lần vốn chủ sở hữu. Quy định mới này nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc hạn chế về khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng góp phần khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phát hành ra công chúng tăng cường công khai, minh bạch cho thị trường.

Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu thời gian giữa các đợt phát hành trái phiếu tối thiểu là 6 tháng và trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải cùng điều kiện, điều khoản. Quy định mới này nhằm hạn chế việc doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng một năm.

Ngoài ra, gần đây, một số phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Bộ Tài chính cho biết, lãi suất phát hành trái phiếu do doanh nghiệp và nhà đầu tư tự thỏa thuận nhưng việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao có thể tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.

Vì vậy dự thảo mới bổ sung quy định, lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015, hiện là 20% một năm. Đồng thời, lãi suất phát hành được xem là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác