Thị trường

Siêu tàu Trung Quốc lớn gấp đôi Titanic: 'Nhà máy sản xuất protein' giữa đại dương

(VNF) - Tàu Gouxin-1 có trọng tải 100.000 tấn với chiều dài 249,9m và chiều rộng 45m – quy mô gấp đôi tàu Titanic. Tổng số tiền đầu tư vào Gouxin-1 lên tới gần 67 triệu USD.

Siêu tàu Trung Quốc lớn gấp đôi Titanic: 'Nhà máy sản xuất protein' giữa đại dương

Sự xuất hiện của các “nhà máy protein" trên biển

Trung Quốc đang coi việc nuôi trồng thủy sản ở vùng nước xa là một trong những nguồn cung protein bền vững cho 1,4 tỷ dân. Trong đó, việc xây dựng các siêu tàu nuôi trồng thủy sản đang được chú trọng.

Ưu điểm của các siêu tàu nuôi thủy sản là chúng có thể di chuyển để tìm khu vực có nhiệt độ tốt nhất cho cá vào các mùa khác nhau trong năm. Ngoài ra, các siêu tàu này có thể có tốc độ di chuyển nhanh, dễ dàng tìm nơi trú ẩn trong các trường hợp có bão. Một điểm cộng khác của các siêu tàu này là giúp dễ dàng kiểm soát dịch bệnh so với phương pháp nuôi trong lồng.

Siêu tàu nuôi thủy sản Gouxin-1

Siêu tàu nuôi thủy sản Gouxin-1 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Đây là tàu nuôi trồng thủy sản thông minh đầu tiên trên thế giới. Tàu Gouxin-1 có trọng tải 100.000 tấn với chiều dài 249,9m và chiều rộng 45m – quy mô gấp đôi tàu Titanic. Tổng số tiền đầu tư vào Gouxin-1 lên tới gần 67 triệu USD.

Khoang tàu Gouxin-1 chứa được 15 bể cá với diện tích mỗi bể cá lớn gấp 2 lần bể bơi tiêu chuẩn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nghiên cứu các phương pháp rút ngắn chu kỳ sản xuất hơn 25% và tăng khả năng sinh sản của cá lên từ 3 – 5 lần so với mô hình nuôi lồng bè truyền thống.

Siêu tàu nuôi cá Gouxin-1 được trang bị hơn 30 công nghệ độc quyền, trong đó phải kể đến công nghệ cho phép tàu trao đổi nước liên tục giữa các bể trong khoang tàu và nước biển. Nhờ đó, nước trong các bể cá sẽ được lọc và tái tuần hoàn 16 lần/ngày, tạo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cá.

CNA cho hay, sau một năm đi vào hoạt động, siêu tàu nuôi cá Gouxin-1 đã thu được 1.200 tấn cá đù vàng, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 3.700 tấn trước đó. Tuy vậy, sản phẩm cá đù vàng được nuôi trên Gouxin-1 đã đạt chứng nhận bền vững của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Đây là điều kiện quan trọng để giúp cá nuôi trên Gouxin-1 có thể xâm nhập các chuỗi siêu thị và khách sạn từ trung cấp đến cao cấp ở thị trường trong nước.

Các siêu tàu nuôi cá có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp nuôi truyền thống

Chủ sở hữu của Gouxin-1 - Tập đoàn Phát triển Gouxin Thanh Đảo có kế hoạch vận hành một đội tàu gồm 50 chiếc với kích cỡ và công suất khác nhau để nuôi trồng thủy sản ngoài khơi. Đội tàu nuôi trồng thủy sản của tập đoàn sẽ có tổng trọng tải hơn 10 triệu tấn với sản lượng 400.000 tấn cá/năm, giá trị tương đương 50 tỷ NDT/năm.

Các siêu tàu Gouxin 2-1 và Gouxin 2-2 sẽ được xây dựng dựa trên Gouxin-1 nhưng có hơn 160 điểm được nâng cấp trong cả thiết kế tổng thể, chức năng và công nghệ nuôi trồng. Trong khi đó, các siêu tàu Gouxin 2-4 và Gouxin 2-5 có chức năng hút nước sâu và có thể nuôi các loại cá nước lạnh như cá hồi Đại Tây Dương.

Quá trình R&D của siêu tàu nuôi thủy sản 300.000 tấn của Tập đoàn Phát triển Gouxin Thanh Đảo hiện đã đi vào hoạt động. Đồng thời, các thử nghiệm mô hình về cabin nuôi trồng hải sản cũng đang được tiến hành và quá trình xây dựng siêu tàu này dự kiến sẽ bắt đầu trước cuối năm 2023.

Nuôi trồng cả thủy sản vùng nước sâu

Ngoài các siêu tàu, Trung Quốc cũng đang triển khai một loại các nền tảng nuôi trồng thủy sản thông minh khác trong những năm qua. Ningde 1 – một lồng nuôi hải sản nửa nổi nửa chìm lớn nhất Trung Quốc đã sẵn sàng hoạt động ở vùng biển gần tỉnh Phúc Kiến. Với thể tích nuôi 65.000 mét khối, lồng nuôi thủy sản Ningde 1 sẽ nuôi cá đù vàng lớn và dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 13,8 triệu USD/năm.

Vào năm 2019, Tập đoàn Wuchang cũng phát triển lồng nuôi cá hồi dưới biển sâu lớn nhất thế giới Shenlan 1. Lồng nuôi này có thể tích 50.000 mét khối với chiều rộng 60 mét, chiều cao 35 mét, đủ để nuôi 300.000 con cá hồi cùng lúc với sản lượng kỳ vọng 1.500 tấn/năm.

Lồng nuôi cá hồi dưới biển sâu lớn nhất thế giới Shenlan 1

Gần đây, 8 bộ ngành ở Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn quốc gia trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước sâu trong bối cảnh nguồn tài nguyên nội địa và ven biển đang cạn kiệt.

Chỉ thị được ban hành vào tháng 6, khuyến khích thành lập các trang trại nuôi cá lớn ở vùng biển sâu. Những trang trại này có độ sâu hơn 20m so với mặt nước biển hoặc cách bờ biển 10km cùng thể tích nuôi ít nhất là 10.000 mét khối.

Nhiều chuyên gia cho rằng những trang trại nuôi trồng thủy sản như vậy sẽ trở thành nguồn cung cấp protein quan trọng khi Bắc Kinh đang theo đuổi sự đa dạng trong chế độ ăn uống, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng.

Chính quyền Trung Quốc đã hạn chế đánh bắt tự nhiên và giảm số lượng tàu đánh bắt cá tại các trang trại nội địa và ven biển kể từ năm 2017 trong bối cảnh thiệt hại sinh thái và làm cạn kiệt thủy sản.

Vẫn còn những lo ngại

Mặc dù việc nuôi trồng thủy sản trên những siêu tàu của Trung Quốc đang có những tín hiệu tích cực nhưng nó vẫn dấy lên một số lo ngại. Chi phí để đóng những siêu tàu nuôi trồng thủy sản ở mức cao dễ khiến các cơ sở nuôi trồng khó cân đối và kiểm soát chi phí. 

Một bài nghiên cứu trên tạp chí Nature cho rằng sự phát triển của việc nuôi trồng thủy sản xa bờ chưa chắc đã giúp đảm bảo an ninh lương thực. Việc nuôi trồng thủy sản xa bờ đòi hỏi tập trung vào các loài cá có giá trị thị trường cao mà người tiêu dùng có thu nhập thấp không thể mua được.

Vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến kế hoạch nuôi trồng thủy sản biển sâu của Trung Quốc

Không chỉ vậy, Lin Ming, thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết, mặc dù mang lại lợi nhuận kinh tế đầy hứa hẹn nhưng các công ty tư nhân hầu như không muốn đặt chân vào lĩnh vực nuôi trồng hải sản xa bờ vì nó quá rủi ro. Một công ty có thể mất tất cả nếu xảy ra giông bão lớn trong khi sự hỗ trợ của chính phủ chưa thực sự rõ nét. 

Trong khi nhiều người xem việc nuôi trồng thủy sản nước sâu là bước tiến tương lai thì trái lại, không ít ý kiến lo ngại rằng nó sẽ gây ô nhiễm thêm cho biển. Trung tâm An toàn Thực phẩm, một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ gọi nuôi trồng thủy sản xa bờ là “giải pháp sai lầm để khắc phục tình trạng đánh bắt quá mức”.

Các trang trại nuôi trồng thủy sản xa bờ là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất khi có rất ít quy định trong việc kiểm soát việc xả thải của nó. Các chất gây ô nhiễm – bao gồm chất dinh dưỡng có trong thức ăn của cá cùng nhiều loại hóa chất độc hại khác sẽ có thể bị xả thẳng ra các vùng nước xung quanh. Thuyền vận chuyển cá đến và đi từ các trang trại ngoài khơi cũng bổ sung thêm vào lượng khí thải”.

Bất chấp những tranh cãi, các trang trại và siêu tàu nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục được mở rộng và phát triển. “Con người đã phát triển từ săn bắn sang trồng trọt trên đất liền. Giấc mơ của chúng tôi bây giờ là có thể thực hiện quá trình chuyển đổi tương tự trên biển”, Xu Hao – cựu Giám đốc Viện nghiên cứu máy móc và dụng cụ đánh cá thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc cho biết.

Tin mới lên