Tài chính

Sở NN&PTNT vào nhóm chủ đầu tư yếu kém, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu làm rõ nguyên nhân

(VNF) - UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản hỏa tốc gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh liên quan đến việc làm rõ nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Sở NN&PTNT vào nhóm chủ đầu tư yếu kém, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Bà Rịa-Vũng Tàu: Sở NN&PTNT vào nhóm chủ đầu tư yếu kém, UBND tỉnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân. (Ảnh minh họa)

Trong văn bản, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết ngày 19/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 6745/BNN-XD ngày 19/10/2021 về việc đánh giá kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 của các chủ đầu tư, chủ dự án. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm các chủ đầu tư yếu kém.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm, qua đó làm rõ nguyên nhân của việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 6745/BNN-XD ngày 19/10/2021, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 05/11/2021.

Theo báo cáo các chủ đầu tư (CĐT) và chủ dự án (CPO) trên phần mềm MIC của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số liệu giải ngân của Kho bạc Nhà nước, báo cáo của Cục Quản lý xây dựng công trình tại Văn bản số 1593/XD-KH ngày 12/10/2021, giải ngân 9 tháng đầu năm vốn kế hoạch năm 2021 các dự án của Bộ là 5.596 tỷ đồng, đạt 56,84% vốn kế hoạch năm đã giao cho các dự án.

Căn cứ tình hình thực hiện và kết quả giải ngân của các chủ đầu tư, Bộ cũng công bố danh sách các chủ đầu tư thực hiện tốt và yếu kém 9 tháng đầu năm.

Theo đó, đối với các chủ đầu tư thực hiện tốt, gồm 8 đơn vị có tỷ trọng giải ngân lớn, tỷ lệ giải ngân cao và vượt kế hoạch giải ngân đã cam kết với Bộ. Trong đó, với các dự án thủy lợi, đê kè (dự án TPCP) có: Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10; Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7; Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thô Lạng Sơn; UBND huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình; Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang.

Ban quản lý Trung ương dự án Thủy lợi (CPO Thủy lợi) thuộc nhóm dự án vốn vay ODA có tỷ trọng giải ngân lớn, tỷ lệ giải ngân cao và vượt kế hoạch giải ngân đã cam kết với Bộ.

Bên cạnh đó, danh sách cũng điểm mặt các chủ đầu tư giải ngân thấp, không đạt cam kết. Đây là đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ chậm hoặc phải trả lại vốn lớn, gồm: Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5; Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9; Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Dự án SAHEP); Ban quản lý các dự án nông nghiệp.

Các chủ đầu tư yếu kém gồm: Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thô tỉnh Bình Phước; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu; Ban quản lý dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp.

Đối với 4 chủ đầu tư giải ngân thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc nhở các đơn vị kết quả giải ngân thấp, yêu cầu các đơn vị nỗ lực, cố gắng trong các tháng cuối năm nhằm đảm bảo giải ngân vốn kế hoạch 2021 được giao theo đúng cam kết với Bộ từ đầu năm.

Đối với 4 chủ đầu tư yếu kém, Bộ phê bình cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị do triển khai dự án, hợp phần dự án trong 9 tháng đầu năm chậm, kết quả giải ngân rất thấp mặc dù đã được các Cục, Vụ và Bộ tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền.

Đối với chủ đầu tư yếu kém là đơn vị thuộc UBND tỉnh (Bạc Liêu, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của các đơn vị này, có hình thức xử lý đối với thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ đôn đốc các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm đảm bảo kế hoạch, tiến độ.

Bộ cũng giao Cục Quản lý xây dựng công trình và Vụ Kế hoạch tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện cả năm 2021 và phân loại từng chủ đầu tư dự án làm tiêu chí quan trọng trong bình xét thi đua khen thưởng năm 2021.

Đối với những đơn vị không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2021, Bộ sẽ xem xét không giao chủ đầu tư trong trung hạn 2021-2025.

Tin mới lên