SSI: Ngân hàng sẽ giảm đầu tư vào TPDN, cần lưu ý đến rủi ro trái phiếu điện mặt trời

A Lan - 04/03/2021 16:34 (GMT+7)

(VNF) - Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng liên tục trong những năm gần đây và hiện chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam.

VNF
SSI: Ngân hàng sẽ giảm đầu tư vào TPDN, cần lưu ý đến rủi ro trái phiếu điện mặt trời

Theo báo cáo của SSI, thị trường vốn của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong năm 2020 với tổng quy mô thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) tăng lên 97,2% GDP, thu hẹp khoảng cách so với quy mô kênh tín dụng ngân hàng (115% GDP).

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng liên tục trong những năm gần đây và hiện chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam

Nhìn lại thị trường TPDN trong năm 2020, phía SSI cho biết các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 455.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 48,4% so với lượng phát hành năm 2019.

Trong đó, chỉ có 23.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 5,2% tổng lượng phát hành, còn lại đều là phát hành riêng lẻ.

Tính riêng trong quý IV, lượng TPDN phát hành giảm tốc khá mạnh do chịu tác động của Nghị định 81. Cụ thể, các doanh nghiệp đã phát hành 81.500 tỷ đồng TPDN, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 59% so với quý III/2020.

Trong đó, nếu loại trừ trái phiếu do các ngân hàng và công ty chứng khoán phát hành, lượng TPDN phát trong quý IV/2020 chỉ là 45.000 tỷ đồng.

SSI cho biết, lượng vốn huy động cho các dự án điện mặt trời tăng vọt từ 8.400 tỷ đồng (năm 2019) lên 30.000 tỷ đồng (năm 2020), trong đó tập trung nhiều vào các dự án ở Ninh Thuận, Đắk Lắk.

"Kế hoạch cắt giảm năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực (EVN) do dư thừa nguồn cung có thể làm gia tăng rủi ro với trái phiếu điện mặt trời", công ty chứng khoán này cho hay.

Theo báo cáo, dù là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành tại Nghị định 81 nhưng trái phiếu bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới hơn 40% trong tổng phát hành toàn thị trường.

Khối lượng trái phiếu bất động sản phát hành lớn nhất là trong tháng 8, ngay trước thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Bốn tháng cuối năm 2020, lượng trái phiếu bất động sản phát hành chỉ đạt giá trị 22.600 tỷ đồng, bằng 38% lượng phát hành của riêng tháng 8/2020 và bằng 12,4% lượng phát hành cả năm 2020.

Theo thông tin từ SSI, các ngân hàng gia tăng đầu tư TPDN trong năm 2020 với số lượng nắm giữ tăng 47% so với thời điểm cuối năm 2019.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng dự báo nhiều khả năng tỷ trọng sở hữu TPDN của các ngân hàng thương mại sẽ giảm xuống trong năm 2021 khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán TPDN, hiện đã được công bố để lấy ý kiến.

Dự thảo này quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng và không được bán TPDN cho các công ty con.

Phía SSI cho biết, theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.

SSI cũng dự báo việc siết chặt điều kiện nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ sẽ là động lực khiến các doanh nghiệp chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng để tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ các cá nhân nhỏ lẻ. Tỷ trọng phát hành ra công chúng có thể tăng so với mức chỉ 5,2% của năm 2020.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cho rằng phát hành riêng lẻ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn do các diều kiện phát hành ra công chúng khắt khe hơn nhiều so với phát hành riêng lẻ.

Cùng với đó, các yêu cầu về công bố thông tin và niêm yết trái phiếu khi phát hành ra công chúng cũng khiến nhiều doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp lớn ưa thích phát hành riêng lẻ hơn.

Phía SSI cũng cho biết, năm 2021, cùng với Luật Chứng khoán 2019, một loạt văn bản pháp luật liên quan đến thị trường TPDN cũng được ban hành và có hiệu lực.

Khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng trong đó nổi bật nhất là yêu cầu nhà đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo SSI, điều kiện này sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận TPDN của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Cùng chuyên mục
Tin khác