Sửa Thông tư 203: Bổ sung cơ chế bán khống, giao dịch trong ngày, ngắt mạch TTCK

Thanh Long - 25/08/2020 14:25 (GMT+7)

(VNF) - Trong dự thảo thông tư mới thay thế Thông tư số 203/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm cơ chế bán khống; bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến cơ chế giao dịch trong ngày; bổ sung công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán (TTCK). Ngoài ra, quy định cụ thể về độ tuổi được phép mở tài khoản chứng khoán là từ 15 tuổi trở lên.

VNF
Sửa Thông tư 203: Bổ sung cơ chế bán khống, giao dịch trong ngày, ngắt mạch TTCK

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC.

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong dự thảo thông tư là việc bổ sung công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán (TTCK).

Theo định nghĩa của dự thảo thông tư, ngắt mạch thị trường (circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán. 

Bộ Tài chính cho biết sở giao dịch chứng khoán sẽ quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Bên cạnh công cụ ngắt mạch thị trường, Bộ Tài chính cho hay trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN sẽ quyết định điều chỉnh biên độ dao động giá.

"Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá", dự thảo thông tư nêu.

Điểm đáng chú ý thứ hai là nhà đầu tư cá nhân đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán nhưng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Một điểm rất mới khác trong dự thảo thông tư là việc bổ sung cơ chế bán khống có đảm bảo. Theo đó, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Dự thảo thông tư quy định hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm tại công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán, nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm.

Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của UBCKNN.

Trên cơ sở tiêu chí do UBCKNN quy định, sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm.

Một nội dung cũng rất quan trọng là bổ sung, sửa đổi một số vấn đề liên quan đến cơ chế giao dịch trong ngày (day-trading). Dự thảo thông tư định nghĩa giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.

Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

Tại mỗi công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở một (01) tài khoản giao dịch trong ngày. Tài khoản giao dịch trong ngày là tài khoản riêng biệt hoặc được quản lý riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch trong ngày với tài khoản giao dịch chứng khoán và tài khoản giao dịch ký quỹ (nếu có) của từng nhà đầu tư.

Công ty chứng khoán có quyền lựa chọn mã chứng khoán có trong danh sách chứng khoán niêm yết được giao dịch ký quỹ để thực hiện giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư. Danh sách các chứng khoán được giao dịch trong ngày phải được công ty chứng khoán công khai trên trang thông tin điện tử của công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thanh toán cho công ty chứng khoán mọi chi phí phát sinh liên quan tới hoạt động mua bắt buộc, vay chứng khoán, vay tiền để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp không có đủ tiền để thanh toán, không có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán theo quy định pháp luật liên quan.

Theo dự thảo thông tư, hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó.

Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày.

Cùng chuyên mục
Tin khác