Tài chính tuần qua: Vietnam Airlines có tân Chủ tịch HĐQT, Vinaconex thoái vốn khỏi Splendora

Việt Anh - 15/08/2020 08:51 (GMT+7)

(VNF) - Vietnam Airlines có tân Chủ tịch HĐQT; Vinaconex thoái vốn khỏi dự án Splendora sau nhiều năm ách tắc; Masan phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu để trả nợ cho Vincommerce; Viettel báo lãi 19.800 tỷ đồng nửa đầu năm... là những thông tin tài chính đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Tài chính tuần qua: Vinalines đổi tên, hy vọng vươn ra biển lớn; Vinaconex thoái vốn khỏi Splendora sau nhiều năm ách tắc

Vietnam Airlines có Chủ tịch HĐQT mới

Ngày 10/8/2020, tại đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Hội đồng quản trị tổng công ty đã bầu ông Đặng Ngọc Hòa giữ chức vụ Chủ tịch.

Ông Đặng Ngọc Hòa sinh năm 1972, là Thạc sỹ an toàn hàng không. Năm 1995, ông bắt đầu làm việc tại Vietnam Airlines.

Từ năm 2016, ông Hòa giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Vietnam Airlines. Giai đoạn từ tháng 3/2018 đến 12/2019, ông Hòa còn giữ chức vụ chủ tịch tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất Việt Nam.

Đến tháng 1/2020, ngoài chức vụ Phó tổng giám đốc, ông Hòa cũng là Chủ tịch tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật bay (VAECO - công ty thành viên của Vietnam Airlines). (Xem thêm)

Vinaconex muốn thoái hết vốn tại dự án Splendora

Ngày 13/8, hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) quyết định thoái toàn bộ phần góp vốn điều lệ tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Được biết, An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora), là công ty liên doanh được thành lập từ năm 2006 giữa Vinaconex và Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long, mỗi bên giữ 50% vốn.

Dự án Splendora được phê duyệt chứng nhận đầu tư từ năm 2006, tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ USD trên diện tích 264 ha. Qua 14 năm thực hiện, đến nay dự án còn hơn 200 ha bị ách lại, chưa thể triển khai.

Tại ĐHĐCĐ hồi tháng 6, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinaconex, nhận định cơ cấu vốn hiện nay của dự án Splendora Bắc An Khánh gây ra bất lợi trong quá trình triển khai và là nguyên nhân của sự đình trệ, do mỗi quyết định cần phải đạt được sự đồng thuận của cả hai bên cổ đông (Vinaconex và Địa ốc Phú Long).

Việc các cổ đông có những ý kiến trái chiều, tranh cãi kéo dài và không tìm được tiếng nói chung đã gây ra nhiều thiệt hại cho dự án.

"Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Tất cả chi phí đó, có thể lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm, các cổ đông của liên doanh phải chịu và đương nhiên Vinaconex cũng phải chịu một nửa", ông Thanh cho biết. (Xem thêm)

Masan sẽ phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu trong nửa cuối năm

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) vừa thông qua quyết định huy động 8.000 tỷ đồng trái phiếu, dưới hai hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Trong hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, Masan dự kiến chào bán tổng cộng 43 trái phiếu với giá trị huy động tối đa 4.000 tỷ đồng. Bao gồm 42 trái phiếu có giá trị 95 tỷ đồng/trái phiếu, còn lại là 10 tỷ đồng/trái phiếu. Số tiền thu được sẽ dùng để tăng quy mô vốn của Masan, hoặc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Masan.

Dự kiến, lô trái phiếu này sẽ được phát hành trong quý III năm nay.

Đối với hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng, Masan dự chào bán 4.000 tỷ đồng trong 9 đợt, số lượng cụ thể mỗi đợt sẽ do Ban lãnh đạo công ty quyết định.

Về phương án sử dụng vốn, Masan cho biết số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ sử dụng để thanh toán khoản nợ vay 3.000 tỷ đồng cho con ty con là Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce, và 1.000 tỷ đồng góp thêm vốn điều lệ cho Công ty TNHH The Sherpa, cũng là công ty con của Masan, nhằm nâng vốn điều lệ tại lên 1.517 tỷ đồng. (Xem thêm)

Viettel báo lãi hơn 19.800 tỷ nửa đầu năm nhờ ‘gà đẻ trứng vàng’ ở thị trường nước ngoài

Ngày 13/8, Viettel cho biết 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Kết quả kinh doanh tốt tại các thị trường nước ngoài khiến cho dòng tiền về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt gần 140 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của tập đoàn đạt 66.300 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch 6 tháng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 19.850 tỷ, hoàn thành 110,2% kế hoạch 6 tháng và 49,4% kế hoạch năm.

"Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị, thiên tai, chính sách nước sở tại và đặc biệt là dịch bệnh, các thị trường Viettel đầu tư vẫn đạt những kết quả ấn tượng", đại diện Viettel nói.

Cụ thể, tại thị trường châu Phi, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tanzania) đạt mức tăng trưởng gần 30%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây; Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) tăng trưởng hơn 26%, cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Tại châu Á, Mytel (thương hiệu Viettel tại Myanmar) vượt mốc 10 triệu thuê bao sau 2 năm kinh doanh, chiếm gần 30% thị phần, sớm hơn mục tiêu đề ra nửa năm. (Xem thêm)

 
Cùng chuyên mục
Tin khác