'Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8% trong năm 2022'

Kỳ Thư - 29/09/2022 18:24 (GMT+7)

(VNF) - Tổng cục Thống kê đã sơ bộ cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của cả năm 2022 là 7,5% và 8%.

VNF
Tổng cục Thống kê dự báo GDP năm 2022 có thể tăng tới 8%.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2022, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Việt Nam còn đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quý IV. Đó là biến động về giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước cũng ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Thêm vào đó, thu hút vốn FDI vào Việt Nam còn khó khăn.

Với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong quý IV cũng như cập nhật tăng trưởng 9 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê đã sơ bộ cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng của cả năm 2022. Trong đó, kịch bản 1: GDP tăng 7,5%, kịch bản 2: GDP tăng 8%.

Ở kịch bản thứ nhất, với mức GDP tăng 7,5% cả năm 2022, GDP quý IV/2022 chỉ cần đạt ở mức rất thấp là 4,1%. Với kịch bản GDP tăng 8%, quý IV có mức tăng trưởng 5,9% - thấp hơn mức tăng trưởng ghi nhận trong quý II/2022.

"Mặc dù quý IV vẫn còn có những khó khăn, tuy nhiên nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Trong quý IV, việc đẩy mạnh đầu tư công và đặc biệt là gói phục hồi kinh tế - xã rơi vào quý IV rất nhiều. Chính sách về đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng tập trung nhiều vào quý IV. Do đó, chúng tôi nghiêng nhiều về phương án GDP cả năm là 8%", ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Trước đó, các định chế tài chính lớn vẫn đưa ra các dự báo lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam.

Cụ thể,  Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lần lượt là 7,5% và 7%. ADB giữ nguyên mức 6,5% so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022.

Trong Báo cáo điểm lại tháng 8, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ.

Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.

IMF nhận định triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác.

Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng và các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi.

Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của chính phủ đã giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động bán lẻ và du lịch.

Theo đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, đây là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng tăng 7,7% trong quý II/2022 và đạt trung bình 6,4% trong nửa đầu năm.

Theo đó, tăng trưởng dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi lên mức 6,6% từ mức 3,9% trong cùng kỳ năm 2021 nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu.

Sự phục hồi của nền kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng, tăng từ mức 9,1% lên 9,5% và cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

ADB cũng cho rằng môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế phục hồi đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, khoảng 101.300 doanh nghiệp đã đăng ký trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số doanh nghiệp và tăng 16,2% về tổng số lao động so với cùng kỳ năm 2021.

“Tự cung tự cấp lương thực, chuỗi cung ứng trong nước phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa và dịch vụ chính (ví dụ như xăng dầu, điện, chăm sóc sức khỏe và giáo dục) đã kiềm chế lạm phát ở mức trung bình 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2022”, ADB nêu.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì thành công chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho nguồn tài chính chi phí thấp, giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khi chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát giá cả hiệu quả đã giúp kiềm chế lạm phát.

Sự phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 (so với dự báo trong tháng 4/2022).

Cùng chuyên mục
Tin khác