Tài chính

Tập đoàn Alphanam: Đi vòng nhanh hơn đi thẳng?

(VNF) - Không chỉ lựa chọn chiến lược "không minh bạch" để tránh mất tiền, dường như Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải còn có một chiến lược ẩn sâu khác là "đi vòng còn nhanh hơn đi thẳng".

Tập đoàn Alphanam: Đi vòng nhanh hơn đi thẳng?

Tập đoàn Alphanam: Đi vòng nhanh hơn đi thẳng?

Chọn "không minh bạch" còn hơn "mất tiền"

Sau 1/4 thế kỷ lăn lộn trên thương trường, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam, không chỉ khẳng định tên tuổi trên thị trường xây dựng, cơ điện, sản xuất công nghiệp mà còn trở thành một trong những "ông lớn" của ngành kinh doanh bất động sản.

Điểm lại, tập đoàn Alphanam khởi nghiệp là doanh nghiệp sản xuất, xây lắp với các dự án khu công nghiệp từ những năm 1995, sau đó đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, M&A nhằm tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Đến năm 2007, Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam chính thức lên sàn giao dịch với mã cố phiếu ALP. Trong các năm tiếp đó, Alphanam phát triển thành doanh nghiệp đa ngành với ba hướng chính: sản xuất công nghiệp, bất động sản và kinh doanh lâm sản, trọng tâm là chiến lược mua bán sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất lớn.

Tuy nhiên, giai đoạn "chập chững" đặt chân vào kinh doanh bất động sản đã khiến tập đoàn nhận "trái đắng", thua lỗ kéo dài trong những năm kế tiếp. Chỉ tính riêng năm 2012, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 150 tỷ đồng... 

Kết quả, đến cuối năm 2014, Alphanam đã phải hủy niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh lỗ ròng nhiều năm, thị giá cổ phiếu lao dốc còn 20% mệnh giá (chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu). Khi đó Alphanam gánh lỗ sau thuế lũy kế hơn 500 tỷ đồng, con số này tiếp tục gia tăng lên 650 tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Thế nhưng, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải không vì đó mà bi quan. Ông cho biết Alphanam lúc bấy giờ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mục tiêu chính là những doanh nghiệp kinh doanh èo uột nhưng có ngành nghề thuộc trọng tâm chiến lược của tập đoàn.

Chính vì vậy, việc tập đoàn hủy niêm yết sẽ "triệt tiêu" áp lực về số liệu báo cáo tài chính, hay như ông Hải nói, nếu được lựa chọn giữa "không minh bạch" và "mất tiền", Alphanam sẽ chọn "không minh bạch".

Bên cạnh đó, dường như Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải còn có một chiến lược ẩn sâu khác mà đang đem lại hiệu quả tích cực, đó là "đi vòng còn nhanh hơn đi thẳng".

Chiến lược "đi vòng" của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải

Từ năm 2017, nắm bắt được làn sóng đầu tư bất động sản địa phương đang mạnh mẽ, tập đoàn Alphanam đã trở thành chủ đầu tư của không ít các dự án "khủng" như: Altara Residences Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa (tỉnh Lào Cai), King Palace (TP. Hà Nội)...

Đáng nói, trong giai đoạn này, Alphanam vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng. Đây là một chướng ngại rất lớn trong việc công ty tham gia vào đấu thầu dự án bởi các quy định nghiêm ngặt về thẩm định năng lực cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Do đó, Alphanam đã vận dụng một hướng đi mới là đứng sau các công ty con và công ty liên kết "thân thiết" nhằm tham gia gián tiếp vào các dự án nêu trên.

Đơn cử, đối với dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán - King Palace (TP. Hà Nội), Alphanam đã thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào để "thâu tóm" dự án.

Tòa nhà King Palace là một phần trong dự án khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại số 108 Nguyễn Trãi, có tổng diện tích 18.531m2.

Đây là khu đất được Công ty Cổ phần Dụng cụ số 1 thuê từ nhà nước làm trụ sở và xưởng sản xuất. Năm 2006, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty Cổ phần Dụng cụ số 1 liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư.

Tiếp đó, ngày 23/10/2015, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào.

Ngày 10/6/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn căn hộ nhà ở để bán - King Palace.

Sau đó 2 tháng, ông Chung tiếp tục ký quyết định thu hồi 6.973m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện dự án tòa nhà King Palace.

Theo đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, được sáng lập bởi Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam (nắm giữ 55% vốn) và Công ty TNHH Hoàng Tử (45% vốn còn lại). Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tuấn Hải.

Hay như dự án khu đô thị Mường Hoa, Sapa do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa (Công ty Mường Hoa) và Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á) là nhà đầu tư thực hiện.

Đây là 2 doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" của tập đoàn Alphanam. Cụ thể, Công ty Mường Hoa được thành lập ngày 16/3/2017, vốn điều lệ đăng ký 790 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam đăng ký góp 553 tỷ đồng (chiếm 70% vốn); cá nhân Đỗ Thị Minh Anh (vợ doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải), Nguyễn Minh Nhật (con trai ông Hải) và Nguyễn Ngọc Mỹ (con gái ông Hải) cùng đăng ký góp 79 tỷ đồng, tương đương 10% vốn.

Mặt khác, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á (thành lập ngày 6/5/2005) có địa chỉ tại khu công nghiệp Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - trùng địa chỉ với Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam. Người đại diện pháp luật là Tổng giám đốc Bùi Đình Quý, cũng là thành viên Ban kiểm soát của tập đoàn Alphanam.

Tương tự, ở dự án vẫn đang "lùm xùm" về tính pháp lý là dự án Altara Residences Quy Nhơn, tập đoàn Alphanam đã "cử" Công ty Cổ phần Foodinco Quy Nhơn làm chủ đầu tư.

Foodinco Quy Nhơn được thành lập ngày 14/11/2016 với vốn điều lệ 79 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam góp 55,3 tỷ đồng (70%), bà Nguyễn Ngọc Mỹ (con gái ông Hải) góp 7,9 tỷ đồng (10%), còn lại 15,8 tỷ đồng (20%) do Tổng công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco nắm giữ.

Người đại diện pháp luật là ông Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Quang, cũng là người đại diện kiêm tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Virex và Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á - chủ đầu tư dự án Golden Square đang đứng trước nguy cơ bị rao bán do khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Tổng công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco là chủ đầu tư ban đầu của dự án, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Định hồi tháng 10/2016.

Tin mới lên