Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ qua lời kể của Đại sứ Phạm Sanh Châu
Hoài Thương -
03/05/2021 10:50 (GMT+7)
(VNF) - Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này. Theo đó, do số ca nhiễm tăng cao đột biến nên tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ rất phức tạp và diễn biến xấu. Những người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây cũng đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn và có không ít người đã mắc bệnh.
“Từ hôm thứ Ba đến hôm nay, mỗi ngày Đại sứ quán đón nhận một ca nhiễm mới. Ca nhiễm thứ 10 là một bạn đã tiêm vắc xin. Ca nhiễm thứ 11 là một thanh niên đã từng nhiễm vào tháng 10 năm 2020, lần này bạn ấy tái nhiễm với chủng mới. Ca nhiễm thứ 12 là một cán bộ rất trẻ và khỏe”, ông Phạm Sanh Châu viết trên trang cá nhân.
Trong một bài đăng trước đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã có những miêu tả chân thực tình trạng đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ:
"Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế.
Giờ đây nếu ai mắc Covid-19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở oxy đã hết và oxy cũng hết luôn. Trong 24 giờ qua đã có 315.000 ca nhiễm và 2.100 người chết. Cứ 40 giây lại có một người chết vì Covid-19. Mà họ đâu có phải xa lạ gì, nhiều người là mối quen biết và đối tác làm việc của Đại sứ quán”.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết ông đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao Ấn Độ để hỗ trợ cho một kỹ sư người Việt xây trụ sở cho Đại sứ quán mắc Covid-19 được nhập viện điều trị.
"May mắn nhờ sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các Vụ chức năng mà Đại sứ quán 'giành' được một giường chữa bệnh cho một kỹ sư Việt Nam đang xây Trụ sở cho Đại sứ quán. Bạn ấy đã sốt trên 39 độ sau 5 ngày liên tiếp mà không thuyên giảm. Súp yến đổ vào miệng mà vẫn không trôi. Có lúc nồng độ oxy trong máu dưới 90%, mức có thể gây tử vong. Còn công trường xây dựng Trụ sở mới đã trở thành ổ dịch. Giờ đây, nơi nào ở đây cũng trở thành ổ dịch.
Phải đích thân 'xuất Đại sứ' để đảm bảo có được giường bệnh ở bệnh viện Apollo mặc dù về nguyên tắc Bộ Ngoại giao nước bạn đồng ý và trực tiếp hỗ trợ. Đau đớn biết rằng để có được 'giường bệnh' này có thể phải đánh đổi bằng sinh mạng của người khác. Có được giường mừng rơi nước mắt vì vừa tủi vừa thương. Nhưng mãi vẫn không nhập viện được vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính đâu, đành để bệnh nhân ngồi ngoài đường chờ", Đại sứ Phạm Sanh Châu kể lại.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho biết hiện tại Ấn Độ đã "vỡ trận", rơi vào "cơn đại hồng thủy":
“Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt.
Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để “vỡ trận” rơi vào “cơn đại hồng thủy” như vậy ? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vác xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao ?"
Những dòng chia sẻ đầy cảm xúc của ngài Đại sứ đã nhận được hàng trăm ngàn lượt “like”, “chia sẻ” và “bình luận” của cộng đồng Facebook. Mọi người thể hiện sự khâm phục trước sự quan tâm chăm lo cho cộng đồng người Việt của ngài Đại sứ, đồng thời gửi đến lời chúc mong Đại sứ, những người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây cũng như tất cả người dân Ấn Độ bình an, mạnh mẽ vượt qua đại dịch.
Hiện nay, Ấn Độ đang được xem là tâm dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tình hình dịch bệnh tại tâm chấn này chưa có dấu hiệu lắng xuống khi ngày 2/5, Ấn Độ ghi nhận trên 370.000 ca mắc Covid-19 với số người tử vong kỷ lục trên 3.400 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày.
Tính đến sáng ngày 3/5, Ấn Độ có tổng cộng trên 19,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 218.945 ca tử vong. Theo Hãng tin Reuters, các nhà khoa học ở Ấn Độ cảnh báo đỉnh dịch Covid-19 của Ấn Độ sẽ diễn ra vào khoảng ngày 3-5/5. Trong khi đó, quốc gia 1,3 tỷ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy tại các cơ sở y tế ở mức đáng lo ngại.
Ông Phạm Sanh Châu sinh ngày 19/9/1961 tại Myanmar, nguyên quán tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề ngoại giao, ông đã được đào tạo bài bản tại Việt Nam, Mỹ, Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Nauy. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp.
Ông Phạm Sanh Châu được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan nhiệm kỳ 2018-2021.
Trước đó, ông Phạm Sanh Châu là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO.
Ông Phạm Sanh Châu cũng từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu; Phó Vụ trưởng Ban thư ký APEC, Bộ Ngoại giao; Phó Giám đốc, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao (Học viện Ngoại giao); Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Cộng hòa Pháp…
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.