Thị trường

Thanh Hóa bác đề xuất đầu tư nhà máy điện sinh khối của Công ty Đa Phương

(VNF) - Mới đây, Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Đa Phương đã đề xuất đầu tư nhà máy điện sinh khối Ngọc Lặc tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa bác đề xuất đầu tư nhà máy điện sinh khối của Công ty Đa Phương

Thanh Hóa bác đề xuất đầu tư nhà máy điện sinh khối của Công ty Đa Phương.

Tuy nhiên, sau khi ghi nhận ý kiến phản hồi của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối Ngọc Lặc của Công ty Đa Phương.

Điện sinh khối là việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện năng. Sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v...), giấy vụn, metan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm...

Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối rất tiềm năng cho việc khai thác sản xuất điện trong khi nhu cầu năng lượng và điện là rất lớn. Hơn nữa, năng lượng nói chung và điện sinh khối nói riêng đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất quan tâm.

Cụ thể như, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam theo Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015; Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó xem sinh khối và khí sinh học là một trong những phương án nhằm giảm phát thải khí nhà kính; Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích năng lượng công nghiệp xanh, phát triển công nghệ carbon thấp (chuyển rác thành năng lượng).

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối; đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện khí sinh học…

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện sinh khối vẫn còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức như: khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu, giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, quy mô phân tán nhỏ lẻ (trừ các nhà máy đường); cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng sinh khối; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu chưa đủ tin cậy…

Về Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Đa Phương, công ty được thành lập ngày 30/8/2012, hiện do ông Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1985) làm Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Trước đó, chức vụ này từng có 2 người đảm nhiệm là ông Lê Mậu Luân (sinh năm 1986) và ông Đoàn Quang Thắm (sinh năm 1974).

Đáng chú ý, ghi nhận tại thời điểm ngày 23/10/2019, Công ty Đa Phương đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên thành 1.068 tỷ đồng.

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, giai đoạn 2017-2019, tài sản của Công ty Đa Phương duy trì ở mức xấp xỉ 1 tỷ đồng. Đối ứng bên nguồn vốn cũng cho thấy, toàn bộ tài sản này được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, ở giai đoạn này, doanh thu của Công ty Đa Phương đều không phát sinh doanh thu ở cả 3 năm. Về lợi nhuận, công ty Đa Phương báo lỗ 3,3 tỷ đồng ở năm 2017 và lỗ 3 tỷ đồng ở 2 năm 2018 và 2019.

Tin mới lên