Bất động sản

Công ty Tanimex sai phạm thế nào tại Khu công nghiệp Tân Bình?

(VNF) - Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. HCM. Trong đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã đề cập đến những tồn tại, sai phạm tại khu công nghiệp Tân Bình do Công ty Tanimex làm chủ đầu tư.

Công ty Tanimex sai phạm thế nào tại Khu công nghiệp Tân Bình?

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại KCN Tân Bình do Công ty Tanimex làm chủ đầu tư

Công ty Tanimex sai phạm gì tại khu công nghiệp Tân Bình?

Theo đó, tại khu công nghiệp Tân Bình, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết UBND TP. HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 không phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không tiến hành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, không lấy ý kiến nhân dân và chính quyền sở tại, không lập điều lệ quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng và phê duyệt diện tích cây xanh là 7,43ha chiếm 7,01% là không đúng quy định về tỷ lệ cây xanh chiếm 10%; Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Công ty Tanimex) xây dựng sân bóng đá mini, sân tennis, hồ bơi, nhà hàng dịch vụ trên quy hoạch diện tích cây xanh…

Tại khu công nghiệp Tân Bình mở rộng, kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết lô đất ký hiệu cụm 1 (5,25ha) và lô đất ký hiệu cụm 2 (2,31ha), theo quy hoạch được duyệt là đất công nghiệp nhưng lại xây dựng kho bãi cho thuê. 

Cùng với đó, lô đất ký hiệu cụm 3 (2,3ha) theo quy hoạch được duyệt là đất công trình đầu mối kỹ thuật nhưng lại xây dựng kho bãi cho thuê; lô đất ký hiệu cụm 4 (2,3ha) theo quy hoạch được duyệt là đất trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng nhưng xây dựng cây xăng, gara ôtô, kho xưởng cho thuê… Ngoài ra, còn một phần đất cây xanh hiện tại xây dựng sân tennis, nhà điều hành cho thuê, dẫn đến việc sử dụng đất chưa đúng mục đích, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường.

Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm tại khu công nghiệp Tân Bình thuộc chủ đầu tư - Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex).

“Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm tại các khu công nghiệp nêu trên thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khu công nghiệp, các sở ngành của TP  (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng,…) UBND các quận, huyện có khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp thành phố và UBND TP. HCM”, kết luận Thanh tra Chính Phủ nêu rõ.

Kết luận Thanh tra Chính Phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại KCN Tân Bình co Công ty Tanimex làm chủ đầu tư

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 65/TTg ngày 1/2/1997 về việc thành lập khu công nghiệp Tân Bình, trong đó xác định chủ đầu tư là Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex); diện tích chiếm đất dự kiến178,63ha, thời gian xây dựng 5 năm, thời gian cho thuê đất 50 năm.

Căn cứ đề nghị của UBND TP. HCM,Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 439/TTg ngày 17/6/1997 thu hồi 2.947.716 m2 đất tại phường 15, phường 16, quận Tân Bình cho Công ty Tanimex thuê 1.512.049 m2 đất để đầu tư xây dựng khu công nghiệp Tân Bình; sử dụng 742.649 m2 để đầu tư xây dựng kinh doanh khu phụ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị định số 60 và 61/NĐ-CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ;

Cùng với đó là giao UBND thành phố quản lý 243.018 m2 đất còn lại để mở rộng đường giao thông khu vực theo quy hoạch.

Tại thông báo kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố có biện pháp giải quyết và xem xét, xử lý đối với cac đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, có vi phạm đã được phát hiện nêu trên; thu hồi ngay các khoản thu không hợp pháp từ các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó, yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục triệt để các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, xây dựng công trình không đúng quy hoạch được duyệt,… theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty Tanimex hoạt động thế nào?

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Tanimex được thành lập vào ngày 18/7/2006, địa chỉ 325 Lý Thường Kiệt, phường 9, quận Tân Bình, TP. HCM.

Người đại diện theo pháp luật Trần Quang Trường. Ngành nghề kinh doanh chính xây dựng các loại. Chi tiết, đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đầu tư văn phòng, đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, đầu tư và hợp tác đầu tư xây dựng,…

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Tanimex là Trần Quang Trường

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Tanimex có hệ sinh thái (công ty con và liên kết), gồm: Công ty TNHH MTV khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng Tân Bình – Long An, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Giá Trị và Công ty Cổ phần Giấy G.P.

Công ty TNHH MTV khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng Tân Bình – Long An có ngành nghề kinh doanh chính khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Công ty có địa chỉ tại số 405, Ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, Long An. Đại diện pháp luật là Trần Minh Thuận.

Cổ đông chính của công ty là Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (100%).

Thông tin về Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Giá Trị

Trong khi đó, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Giá Trị, có địa chỉ tại toà nhà Taniofice, số 475D Lê Trọng Tuấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP. HCM. Đại diện theo pháp luật của công ty là Vương Thị Bạch Mai.

Cổ đông của công ty gồm: Công ty Tanimex (40%) và khác 0%. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nguyên liệu nhựa, vật tư, nguyên vật liệu ngành in, bao bì, nhựa, giấy, kim loại và thiết bị, máy móc phục vụ ngành sản xuất bao bì ngành in (không bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại); bán buôn bao bì giấy.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tình hình kinh doanh của công ty này trong giai đoạn 2016-2019 khá “bết bát”. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty năm 2016 là 8 tỷ đồng, lãi sau thuế của công ty là 4 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, doanh thu thuần của công ty liên tục tăng trong khi lãi sau thuế liên tục thua lỗ. Năm 2017, công ty có doanh thu thuần là 20,48 tỷ đồng, lãi sau thuế chỉ 1,69 tỷ đồng.

Sang năm 2018, doanh thu thuần của công ty tăng từ 20,48 tỷ đồng lên 72,35 tỷ đồng, tăng 253,2%. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty tiếp tục giảm và chỉ đạt 867 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của công ty tiếp tục đà tăng đạt 105,21 tỷ đồng, tăng 45,4%. Trái ngược với doanh thu thuần tăng, năm 2019 công ty ghi nhận mức lỗ 2,49 tỷ đồng.

Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty giai đoạn 2016-2017 tăng mạnh. Cụ thể, tổng tài sản năm 2016 là 40,8 tỷ đồng, năm 2017 là 84,4 tỷ đồng, tăng 106,8%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu năm 2016 là 36,6 tỷ đồng lên 55,9 tỷ đồng (năm 2017), tăng 52,7%.

Từ năm 2017- 2018, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty không có nhiều biến động.

Sang năm 2019, tổng tài sản công ty từ 84,5 tỷ đồng (năm 2018) giảm xuống còn 65,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm nhẹ từ 56,5 tỷ đồng (năm 2018) xuống 53,9 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty năm 2016 là 4,3 tỷ đồng, năm 2017 là 28,4 tỷ đồng (tăng 560%), năm 2018 là 27,9 tỷ đồng. Sang tới năm 2019, nợ phải trả chỉ còn 11,7 tỷ đồng.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Giấy G.P là Võ Luân Bằng

Đối với Công ty Cổ phần Giấy G.P. Công ty này có cổ đông, gồm: Công ty Tanimex (43%), Nguyễn Thị Xuân Thuỷ (16%), Võ Văn Đức (7%), Vũ Thị Ái Loan (7%) và khác (27%). 

Công ty này có nghành nghề kinh doanh chính là sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa.

Giai đoạn từ 2016-2019 công ty không có doanh thu thuần. Trong khi lợi nhuận sau thuế luôn âm. Cụ thể, năm 2016 công ty lỗ 1,08 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 1,13 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 101 triệu đồng và năm 2019 lỗ 4,3 triệu đồng.

Xem thêm: Điểm danh 15 dự án sai phạm tại tỉnh Thái Nguyên bị Thanh tra Chính phủ 'bêu tên' (tiếp)

Tin mới lên