Thành viên Alphanam Group: Phải thu, tồn kho chiếm 95% tài sản, dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 5 liên tiếp

Ái Châu Tử - 20/01/2024 16:22 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Alphanam E&C (HNX: AME) – thành viên Alphanam Group, có một năm 2023 kinh doanh tương đối tốt, song chất lượng tài sản lại chuyển biến theo hướng tồi tệ hơn.

VNF
Thành viên Alphanam Group: Phải thu, tồn kho chiếm 95% tài sản, dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 5 liên tiếp

Bức tranh kinh doanh sáng màu

Theo báo cáo tài chính của AME, quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 868 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cũng là quý có doanh thu cao nhất trong vòng 7 quý qua.

Với doanh thu tốt, lợi nhuận gộp đạt 37 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 4,26%.

Trong quý, AME có thêm 3,7 tỷ đồng lợi nhuận khác, trong khi tiết giảm được 33% chi phí quản lý và 95% chi phí tài chính. Nhờ đó, công ty có lợi nhuận trước thuế 16,5 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 13 tỷ đồng, tăng 2,7 lần, cao nhất 12 quý qua.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của AME đạt 2.215 tỷ đồng. Dù chỉ “nhích” thêm 2 tỷ đồng so với năm trước, song điều này cũng là đủ để 2023 là năm có doanh thu cao nhất lịch sử công ty. Dù vậy, do giá vốn tăng mạnh hơn, lợi nhuận gộp đạt chỉ đạt 115 tỷ đồng, giảm 3,5%. Biên lợi nhuận gộp tương ứng là 5,19%.

Trong năm, AME ghi nhận chi phí tài chính tăng 15%, đạt 65 tỷ đồng, trong khi đó giảm được 28% chi phí quản lý, đạt 27 tỷ đồng.

Công ty đã kết thúc năm 2023 với khoản lợi nhuận trước thuế 27 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 21 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế theo năm cao nhất 9 năm qua (kể từ sau 2013).

Năm 2023, AME đặt mục tiêu doanh thu 1.697 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,6 tỷ đồng. Như vậy, kết năm 2023, AME đã vượt 30% mục tiêu doanh thu và vượt 2,4% mục tiêu lợi nhuận.

Quan ngại chất lượng tài sản

Trái ngược với những con số kinh doanh có phần sáng sủa, bảng cân đối kế toán của AME lại không được đẹp đẽ. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản công ty đạt 2.515 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.

Cơ cấu tài sản ghi nhận sự chiếm ưu của các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 69%, đạt 1.747 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm.

Hàng tồn kho cũng chiếm 26% tổng tài sản, đạt 668 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm.

Như vậy, tổng tỷ trọng của các khoản phải thu và hàng tồn kho lên tới 95%, tăng thêm 2 điểm % so với đầu năm. Đây là tỷ trọng quá cao, phản ánh chất lượng tài sản của AME đang ở mức xấu.

Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của AME đạt 1.729 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Nợ vay chiếm 58% trong số đó, đạt 1.007 tỷ đồng, tăng 75%. Mức tăng mạnh của nợ vay này chính là nguồn cơn của việc chi phí tài chính gia tăng trong năm.

Vốn chủ sở hữu của AME tại ngày kết thúc năm 2023 đạt 787 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,19 lần, tăng đáng kể so với mức 1,8 lần hồi đầu năm, phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy ngày càng lớn.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của AME âm 444 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp âm, phản ánh con số lợi nhuận mà công ty có được mới chỉ dừng lại trên sổ sách, chứ chưa thu được tiền về.

Do dòng tiền kinh doanh âm nặng, dòng tiền đầu tư không đáng kể, AME bắt buộc phải đẩy mạnh vay mượn. Tiền thu từ đi vay trong năm 2023 đã tăng tới 35% so với năm trước, đạt 1.351 tỷ đồng. Công ty cũng phải giảm tiền trả nợ gốc vay 6% so với năm trước, chỉ 930 tỷ đồng để đảm bảo cân đối dòng tiền hoạt động.

Dù vậy, lưu chuyền tiền thuần cả năm vẫn âm 24 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền tại ngày cuối năm 2023 chỉ còn 10 tỷ đồng, giảm 70% so với đầu năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác