Năm 2023, VEF lãi sau thuế 435 tỷ đồng, lớn nhất lịch sử
Vĩnh Chi -
20/01/2024 15:20 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) đã ghi nhận năm có lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính của VEF cho thấy, quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 6,1 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự xuất hiện của doanh thu hoạt động hội chợ, triển lãm. Tuy nhiên, vì kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 70 triệu đồng (cùng kỳ lỗ gộp 3,2 tỷ đồng).
Trong quý, hoạt động tài chính là trụ cột chính khi mang về doanh thu 118 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Về chi phí, công ty giữ được chi phí quản lý đi ngang ở mức 1,8 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng tăng 48 lần lên 2,1 tỷ đồng.
Kết quý IV/2023, VEF đạt lợi nhuận trước thuế 114 tỷ dồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của VEF đạt 9 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm trước. Công ty lỗ gộp 8,6 tỷ đồng, cải thiện hơn mức lỗ gộp 12 tỷ đồng của năm trước.
Doanh thu tài chính trong năm lên tới 564 tỷ đồng, tăng 10%. Điều này giúp VEF kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 544 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 435 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Năm 2023, VEF đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, kết năm 2023, công ty đã hoàn thành 90% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 2 lần mục tiêu lợi nhuận (vượt 117,5%).
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VEF đạt 9.803 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là các khoản phải thu giảm 20%, đạt 3.352 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản. Chiếm chủ yếu trong các khoản phải thu là các khoản cho vay với lãi suất 11 – 12%/năm và được đảm bảo (trong đó: cho vay ngắn hạn 1.896 tỷ đồng, cho vay dài hạn 1.138 tỷ đồng). Đây là nguồn cơn cho doanh thu tài chính lớn của công ty.
Hàng tồn kho đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với đầu năm, chiếm 25% tổng tài sản. Đây là khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện dự án khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong năm cũng tăng 59%, lên 2.641 tỷ đồng, chiếm 27% tài sản, tập trung tại các dự án: tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở tại Ba Đình, Hà Nội (103 tỷ đồng), trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (848 tỷ đồng), khu đô thị mới Đông Anh (1.666 tỷ đồng), khu chức năng đô thị nam đại lộ Thăng Long (23 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả đạt 6.727 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Lớn nhất trong đó là khoản phải trả ngắn hạn khác (6.190 tỷ đồng, chiếm 92%, tăng 26%). Đây là khoản phải trả cho các bên liên quan trong cùng tập đoàn Vingroup.
Vốn chủ sở hữu tại ngày kết thúc năm 2023 đạt 3.076 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,18 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của VEF âm 238 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hàng tồn kho (1.432 tỷ đồng), còn dòng tiền đầu tư dương 461 tỷ đồng.
Trong năm, VEF đã chi ra 687 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Điều đó khiến lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 464 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền tại ngày 31/12/2023 giảm 26% so với đầu năm, còn 1.329 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.