Thảo Cầm Viên nguy cơ ngưng hoạt động nếu bị cưỡng chế thuế

Thu An - 10/12/2024 15:45 (GMT+7)

(VNF) - Tình hình kinh doanh, cũng như khả năng tài chính của Thảo Cầm Viên cho thấy đơn vị này khó lòng nộp đủ 787 tỷ đồng tiền nợ thuế mà Chi cục thuế Quận 1 yêu cầu.

Cuối tháng 11 vừa qua, Chi cục thuế Quận 1 đã ban hành Quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.

Đối tượng bị cưỡng chế là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, số tiền bị cưỡng chế là hơn 787 tỷ đồng.

Chi cục thuế Quận 1 yêu cầu Kho bạc Nhà nước TP. HCM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), trích tiền từ tài khoản đối với số tiền bị cưỡng chế thuế.

Được biết, đây là khoản tiền thuê đất phải nộp hàng năm tại địa chỉ số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Chi cục thuế Quận 1 đã nhiều lần gửi thông báo cho Thảo Cầm Viên về số tiền thuê đất này.

Thảo Cầm Viên bị cưỡng chế thuế 787 tỷ đồng

Tại thời điểm tháng 10/2021, số tiền phải nộp là hơn 163 tỷ đồng/năm theo đơn giá 1.033.363 đồng/m2, diện tích phải nộp tiền thuê là 158.117m2. Đến tháng 6/2022, thông báo của Chi cục thuế quận 1 cho thấy số tiền mà Thảo Cầm Viên phải nộp bao gồm tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp cho 2 năm 2021 và 2022 là gần 356 tỷ đồng.

Tháng 12/2023, Thảo Cầm Viên tiếp tục nhận thêm thông báo của chi cục thuế với số tiền thuê đất phải nộp tính đến ngày 30/11/2023 lên đến hơn 693 tỷ đồng.

Như vậy số tiền phải nộp đang gia tăng nhanh chóng theo năm, trong khi vẫn chưa có phương án hợp lý cho Thảo Cầm Viên. Xét theo tình hình kinh doanh, cũng như khả năng tài chính của Thảo Cầm Viên, đơn vị này khó lòng nộp đủ 787 tỷ đồng tiền nợ thuế mà Chi cục thuế Quận 1 yêu cầu.

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Vũ Thị Hương Giang cho biết Thảo Cầm Viên Sài Gòn là doanh nghiệp "không hoạt động vì mục đích lợi nhuận". Chức năng chính là quản lý vườn thú cổ 160 năm tuổi, chăm sóc gần 2.000 cá thể động vật và hơn 2.000 cá thể thực vật, trong đó có nhiều loại quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Lãnh đạo Thảo Cầm Viên khẳng định cơ cấu sử dụng đất từ năm 2014 đến nay phù hợp với chức năng hoạt động trên. Họ chỉ dành 5.590 m2, tức chiếm hơn 3,5% tổng diện tích, để kinh doanh dịch vụ. Toàn bộ đất còn lại được làm chuồng trại, cảnh quan công viên và dịch vụ công cộng không vì mục đích lợi nhuận.

Thời gian qua, Thảo Cầm Viên đã tạm nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuê đất tính trên diện tích đất công cộng có mục đích kinh doanh (tức 5.590 m2 kinh doanh dịch vụ), đơn giá theo thông báo của Chi cục Thuế quận 1.

Trong giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu bình quân hàng năm của Thảo Cầm Viên là 104 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty cho biết con số trên vừa đủ chi phí cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc động vật, duy tu và bảo tồn phát triển cây xanh. Chỉ tiêu lợi nhuận của Thảo Cầm Viên được UBND TP. HCM giao bình quân hơn 4 tỷ đồng mỗi năm.

Giá vé hiện nay là 60.000 đồng cho người lớn và 40.000 đồng cho trẻ em cao 1 -1,3 m. Trường hợp phân bổ tiền thuê đất vào giá vé, số tiền sẽ phải nâng lên lần lượt là 250.000 đồng và 200.000 đồng.

"Với doanh thu hiện nay, Thảo Cầm Viên khó có thể nộp tiền thuê đất hàng năm hơn 163 tỷ đồng, nên với thông báo của Chi cục Thuế quận 1, có thể bị cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Nếu việc đó xảy ra, chúng tôi đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống động thực vật đang được chăm sóc tại đây", bà Hương Giang cho biết.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của Thảo Cầm Viên đạt gần 860 tỷ đồng, trong đó chiếm 80% là chi phí xây dựng cơ bản (dự án Sài Gòn Safari). Dự án này đã “giám” hàng trăm tỷ đồng của Thảo Cầm Viên trong nhiều năm qua, nhưng vẫn nằm trong trạng thái “treo” và chưa hoàn thiện dù được cấp phép từ năm 2004.

Phần tài sản còn lại của Thảo Cầm Viên sau khi trừ đi khoản đầu tư vào dự án Sài Gòn Safari chỉ đạt hơn 172 tỷ đồng, trong đó quỹ tiền mặt là 68,8 tỷ đồng, hoàn toàn không thấm vào đâu so với khoản nợ thuế lên tới 787 tỷ đồng nêu trên.

Tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2024 đều đi lùi so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần của Thảo Cầm Viên đạt 72,8 tỷ đồng, giảm 47% so với mức thực hiện nửa của nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt vỏn vẹn 4,7 tỷ đồng, giảm 44,7% so  với cùng kỳ.

Năm 2024, mục tiêu của Thảo Cầm Viên là đạt được gần 126 tỷ đồng doanh thu và đem về 6,3 tỷ đồng lãi trước thuế, đều có phần khiêm tốn hơn so với mức thực hiện của năm 2023. Với tiến độ hiện tại, Thảo Cầm Viên có nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch mà ban lãnh đạo đã đề ra.

Nhìn lại giai đoạn 2020-2024, doanh thu bình quân của Thảo Cầm Viên chỉ đạt hơn trăm tỷ mỗi năm. Mức doanh thu này không đủ để chi trả cho khoản tiền thuê đất hàng năm lên tới 163 tỷ đồng.

Thảo Cầm Viên: Bị đòi nhiều lần, chưa chịu trả 693 tỷ tiền nợ thuê đất

Thảo Cầm Viên: Bị đòi nhiều lần, chưa chịu trả 693 tỷ tiền nợ thuê đất

Tài chính
(VNF) - Thảo Cầm Viên ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt gần 8,45 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần mức thực hiện năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của đơn vị này trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, con số này có phần chưa cân xứng với quy mô tài sản hơn 800 tỷ đồng.
Cùng chuyên mục
Tin khác