Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Động đất mạnh tại nhiều khu vực, Triều Tiên đóng cửa loạt đại sứ quán

(VNF) - Những trận động đất mạnh đã liên tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới trong tuần qua, gây thiệt hại lớn cả về người và của. Bên cạnh đó, Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã một lần nữa trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới do chất lượng không khí quá kém.

Thế giới tuần qua: Động đất mạnh tại nhiều khu vực, Triều Tiên đóng cửa loạt đại sứ quán

Ảnh minh hoạ.

Động đất mạnh tại nhiều khu vực

Trong 2 ngày 28-29/10, hai trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại tỉnh Herat, Afghanistan với cường độ lần lượt là 5 độ rịcher và 4,8 độ richer. Các trận động đất gây nhiều thiệt hại về tài sản và khiến 13 người bị thương.

Trước đó, từ đầu tháng 10, các tỉnh Herat, Farah cùng nhiều tỉnh lân cận cũng đã hứng chịu một số trận động đất khiến hàng nghìn người thương vong và phá huỷ hàng nghìn nhà dân.

Đến ngày 31/10, hai trận động đất khác với cường độ 6,2-6,3 độ rịcher đã xảy ra tại quần đảo Fiji và khu vực gần La Serena, Elqui, Vùng Coquimbo, Chile.

Ngày 2/11, một trận động đất mạnh 6,3 độ richer đã xảy ra tại Indonesia, ở vị trí cách Kupang - thủ phủ của tỉnh East Nusa Tenggara khoảng 15km.

Gần đây nhất và kinh hoàng nhất là ngày 3/11, một trận động đất với cường độ 5,6 độ richer đã xảy ra tại vùng xa xôi phía tây bắc Nepal, đánh sập nhiều toà nhà và con số thương vong hiện đã lên tới 157 người.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra cách Jumla, Nepal, tỉnh Karnali khoảng 42 km và chấn động có thể được cảm nhận ở tận thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Đó là lý do tại sao chúng tôi chưa có ước tính chính xác về số lượng nhà cửa và cơ sở hạ tầng khác bị sập, hư hỏng. Có một số ngôi làng ước tính tới 90% ngôi nhà đã bị sập”, phát ngôn viên cảnh sát Nepal Kuber Kadayat nói với CNN. 

Theo ông Kadayat, cho đến nay đã có 157 người được xác nhận thiệt mạng và 170 người bị thương, khiến trận động đất hôm 3/11 trở thành trận động đất nguy hiểm nhất kể từ năm 2015 tại Nepal.

New Delhi (Ấn Độ) ô nhiễm nhất thế giới

Ngày 3/11, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bị bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc độc hại và một số trường học đã được lệnh đóng cửa do chỉ số chất lượng không khí (AQI) giảm mạnh xuống mức “nghiêm trọng”.

New Delhi một lần nữa đứng đầu danh sách theo thời gian thực về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới do tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ biên soạn, đưa AQI của thủ đô Ấn Độ ở mức 640 vào loại “nguy hiểm” vào ngày 3/11, tiếp theo là mức 335 ở thành phố Lahore của Pakistan.

Các quan chức khu vực cho biết sự kết hợp theo mùa của nhiệt độ thấp hơn, thiếu gió và hiện tượng đốt rơm rạ ở các bang trang trại lân cận đã gây ra sự gia tăng ô nhiễm không khí cho thủ đô Ấn Độ.

Nhiều người trong số 20 triệu cư dân của New Delhi phàn nàn về tình trạng khó chịu ở mắt và ngứa họng khi không khí chuyển sang màu xám đậm và chỉ số AQI dao động quanh mức 480 tại một số trạm giám sát.

Thông thường, chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt, trong khi chỉ số AQI từ 400-500 sẽ ảnh hưởng đến người khỏe mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.

Bầu không khí "đặc quánh" tại New Delhi sáng 3/11.

Triều Tiên đóng cửa loạt đại sứ quán

Tuần trước và tuần này, truyền thông đưa tin Triều Tiên đã có động thái đóng cửa Đại sứ quán tại ít nhất 3 quốc gia, bao gồm Angola, Uganda và Tây Ban Nha. 

Ông Chad O' Carroll, người sáng lập trang web chuyên về Triều Tiên NK Pro, cho biết việc đóng cửa đại sứ quán tạo tiền đề cho "một trong những thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ".

Ông Carroll cho rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục đóng đại sứ quán tại hàng chục quốc gia khác do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và ảnh hưởng từ việc nền kinh tế suy yếu. Các khu vực tiếp theo mà Bình Nhưỡng dự định đóng cửa sứ quán bao gồm cả ở Ý, Hong Kong và nhiều quốc gia ở Châu Phi, theo ông Carroll. 

Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin Bình Nhưỡng cũng sẽ đóng cửa lãnh sự quán ở Hong Kong và “hơn chục” cơ sở ngoại giao khác, làm ảnh hưởng tới 25% cơ quan đại diện của quốc gia này trên toàn thế giới.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 31/10 cho biết việc Triều Tiên đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao gần đây là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền ở nước ngoài vì các lệnh trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên có quan hệ chính thức với 159 quốc gia nhưng có 53 cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm 3 lãnh sự quán và 3 văn phòng đại diện, cho đến khi nước này rút khỏi Angola và Uganda.

Xem thêm >> Triều Tiên đóng cửa loạt đại sứ quán trên khắp thế giới

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về AI

Ngày 1/11 tại Bletchley Park, thuộc thành phố Milton Keynes, Vương quốc Anh, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được khai mạc.

Hội nghị kéo dài 2 ngày, được chủ trì bởi Thủ tướng Anh Rishi Sunak và có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia, đại diện các công ty công nghệ hàng đầu, các học giả và các thành phần khác.

Các tên tuổi đáng chú ý trong danh sách đại biểu bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, tỷ phú công nghệ Elon Musk, giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta AI Nick Clegg, Giáo sư Yann LeCun, nhà khoa học trưởng của Meta về AI. Chính phủ Trung Quốc cũng cử đại diện tham dự hội nghị. 

Hội nghị tập trung thảo luận về các rủi ro liên quan AI, từ nguy cơ mất việc làm và tấn công mạng đến việc con người mất kiểm soát đối với các hệ thống đã tạo ra và các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, nội dung thảo luận tại hội nghị đã được mở rộng so với dự kiến ban đầu, bao gồm các vấn đề rộng lớn liên quan đến AI từ deepfake (giả mạo khuôn mặt) đến chăm sóc sức khỏe. 

Chính phủ Anh kỳ vọng hội nghị góp phần xây dựng sự đồng thuận quốc tế về tương lai của AI, trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại các mô hình AI biên giới có thể gây ra rủi ro tiềm ẩn về an toàn nếu không được phát triển một cách có trách nhiệm, bất chấp tiềm năng tạo ra tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học và các lợi ích công cộng khác.

Sau hội nghị, một tuyên bố chung đã được 28 quốc gia thông qua, gọi là "Tuyên bố Bletchley", nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp toàn cầu để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong thông báo đi kèm tuyên bố, Chính phủ Anh nêu rõ nội dung tuyên bố bao trọn những mục tiêu chính của hội nghị về phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan những rủi ro, cơ hội và tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo sử dụng và nghiên cứu AI an toàn, đặc biệt là thông qua tăng cường hợp tác khoa học.

Xem thêm >> Ông Putin: Nga không còn là 'trạm xăng'

Tin mới lên