Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Kinh tế Nga hồi phục mạnh mẽ, báo cáo việc làm mới của Mỹ 'gây sốc'

VNF - Những tin tức đáng chú ý trên thế giới tuần qua có thể kể đến như cú trượt dài của giá dầu mỏ trong tuần ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu; nền kinh tế Nga vẫn vững vàng bất chấp những lệnh hạn chế của phương Tây, kinh tế Mỹ tạo ra 336.000 việc làm trong tháng 9...

Ông Putin: ‘Dù chi mạnh cho quốc phòng, Nga không đổi bơ lấy súng’

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi ngày 5/10, ông Putin khẳng định tình hình kinh tế quốc gia ổn định và mọi vấn đề do lệnh trừng phạt đã được khắc phục. Phiên họp toàn thể có sự tham dự của các chuyên gia, chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà kinh tế đến từ 42 quốc gia.

Theo ông Putin, Nga đã chống chọi lại áp lực của phương Tây nhằm làm tê liệt tăng trưởng kinh tế của nước này và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Nga đã thành công chống chọi lại áp lực của phương Tây.

“Nói chung tình hình ổn định. Chúng tôi đã khắc phục tất cả các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt và đã bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo trên cơ sở mới, điều này về cơ bản là quan trọng”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng các hạn chế thương mại của phương Tây về cơ bản đã và đang tái cơ cấu nền kinh tế Nga theo hướng tích cực.

Theo báo cáo, chính phủ Nga đã ghi nhận thặng dư ngân sách hơn 660 tỷ rúp (6,6 tỷ USD) trong quý III vừa qua sẽ thâm hụt khoảng 1% GDP trong năm nay và những năm tới.

Ông Putin cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 3%, trong khi thu nhập khả dụng tiếp tục tăng.

“Thu nhập khả dụng thực tế của người dân chúng tôi đang tăng lên, hơn 12%. Ở châu Âu thì đang giảm”, ông Putin phát biểu.

Cũng theo ông Putin, lạm phát ở Nga đã "tăng lên" tới 5,7%. Theo ông, Ngân hàng Trung ương và chính phủ nước này đang thực hiện các biện pháp phối hợp để hóa giải những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Cú trượt dài của giá dầu mỏ trong tuần ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu

Tuần qua, giá dầu trên thị trường thế giới đã chứng kiến đà giảm mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm. Riêng hai ngày gần đây, giá dầu đã mất 7% giá trị. Còn trong chưa đầy 2 tuần giao dịch, giá dầu thô đã mất khoảng 10 USD/thùng. Trước đó, giá đầu đã tăng gần 100 USD/thùng vào cuối tháng 9.

Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã tác động lên giá dầu. Nhưng giới đầu tư cho rằng, xu hướng giảm của giá vàng đen chỉ là nhất thời và giá dầu vẫn tiếp tục neo cao trong quý IV.

Giá dầu neo cao là phép thử từ nay tới cuối năm cho các nền kinh tế đang chật vật vì tốc độ tăng trưởng thấp. 

Ông Bjarne Schieldrop - Nhà phân tích tổ chức nghiên cứu SEB Research, cho hay: "Tâm lý lo ngại tình hình sức khỏe kinh tế toàn cầu và lo ngại về nhu cầu dầu trong tương lai dẫn đến tình trạng bán tháo dầu".

Còn theo bà Natasha Kaneva - Chuyên gia chiến lược của JPMorgan, dự phá hủy nhu cầu dầu đã bắt đầu một lần nữa. Dự báo giá dầu cuối năm sẽ là 86 USD/thùng và việc giảm tồn kho dầu toàn cầu đã kết thúc.

VinFast vươn ra 'biển lớn', rục rịch thâm nhập thị trường Ấn Độ

Theo Economist Times, VinFast sẽ cho ra mắt 3 mẫu xe điện tại Ấn Độ. Trong đó, VinFast VF e34 là mẫu xe ra mắt đầu tiên, tiếp đến là các mẫu xe điện VinFast VF e36, VinFast VF6, VinFast VF7.

VinFast dự định mở nhà máy tại Ấn Độ.

Một nguồn tin tiết lộ lãnh đạo của VinFast mới đây đã có cuộc gặp gỡ với 25 nhà bán lẻ ô tô tại Ấn Độ để bàn về việc thiết lập các đại lý ở thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới. Hiện tại, VinFast được cho là đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho văn phòng sắp mở tại thành phố Gurgaon, bang Haryana.

Tờ Economist Times cũng tiết lộ VinFast kỳ vọng công suất ban đầu của nhà máy ở Ấn Độ là 50.000 xe/năm, sau đó tăng lên 200.000 – 300.000 xe/năm.

Hiện phía VinFast vẫn chưa lên tiếng về thông tin mở rộng sản xuất tại Ấn Độ. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý II vừa qua, VinFast cho biết hãng có kế hoạch triển khai mạng lưới đại lý tại các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ.

Châu Á, trong đó có Ấn Độ, được xem là thị trường trọng điểm của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong vòng từ 3 – 5 năm tới. Chính vì thế, VinFast sẽ phải chạm trán nhiều đối thủ sau khi gia nhập thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới này.

Mỹ: Báo cáo việc làm mới 'gây sốc', Fed thêm 'đau đầu'

Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/10 cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra 336.000 việc làm trong tháng 9. Trong khi đó, các nhà kinh tế đã dự báo con số chỉ rơi vào khoảng 170.000 việc làm mới.

Theo đó, hàng loạt ngành liên quan tới dịch vụ chứng kiến sự tăng trưởng việc làm trong tháng qua, đặc biệt là lĩnh vực giải trí và khách sạn, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ chuyên môn và kỹ thuật cũng như trợ giúp xã hội.

Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cũng thông báo về việc điều chỉnh số liệu việc làm cho tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Cụ thể, so với những con số được công bố trước đây, số liệu thực tế về lượng việc làm mới trong 2 tháng trên được điều chỉnh tăng thêm 119.000 việc làm.

Chính phủ cũng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 3,8% trong tháng 9.

Báo cáo mới từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm đang có dấu hiệu phục hồi, phản ánh sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này đang tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm nhằm kiềm chế lạm phát.

Tổng thống Joe Biden ca ngợi báo cáo việc làm tháng 9 tốt hơn mong đợi cho thấy việc tuyển dụng đã tăng tốc, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 20 tháng liên tiếp và sự gia tăng lực lượng lao động của phụ nữ là nhờ những nỗ lực từ chính sách "Bidenomics" của chính quyền ông thúc đẩy.

“Không phải ngẫu nhiên, đó là nhờ Bidenomics, chúng tôi đang phát triển nền kinh tế từ giữa, từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống”, ông Biden nói, đồng thời tỏ ra rất phấn khởi khi tỷ lệ lạm phát cũng đang giảm.

Ông Biden còn đặc biệt nhấn mạnh sự tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất, vốn đã bổ sung thêm 17.000 việc làm vào tháng trước.

Tin mới lên