Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ, Anh, Australia thành lập liên minh AUKUS, Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP

(VNF) - Mỹ, Anh, Australia thành lập liên minh AUKUS; Trung Quốc nộp đơn đăng ký gia nhập CPTPP; tập đoàn năng lượng Gazprom tuyên bố trữ lượng khí đốt tự nhiên của Nga đủ cho một thế kỷ; Mỹ tuyên bố tặng thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ, Anh, Australia thành lập liên minh AUKUS, Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP

CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất.

Mỹ, Anh, Australia thành lập liên minh AUKUS

3 nước gồm Mỹ, Anh và Australia ngày 16/9 tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới - AUKUS, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác.

Trong tuyên bố, 3 nước cam kết hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đây là “bước đi lịch sử” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài.

Thủ tướng Australia Scott Morrison thì cho rằng AUKUS sẽ “mang lại một khu vực an toàn hơn”, điều này cuối cùng mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.

Việc thiết lập AUKUS được xem là một nỗ lực lớn của Australia, Mỹ và Anh nhằm duy trì kết cấu của sự can dự và răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh các cặp quan hệ song phương giữa 3 đồng minh Mỹ-Australia-Anh với Trung Quốc vốn đã ở mức thấp trong thời gian qua.

Ngay sau thông báo về việc thành lập liên minh AUKUS, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lên tiếng đề nghị ba nước nên “rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ​​về ý thức hệ” và cho rằng Mỹ, Anh, Australia đang nhắm vào nước này.

Gazprom tuyên bố trữ lượng khí đốt tự nhiên của Nga đủ cho một thế kỷ

Phát biểu tại Đại hội Kinh doanh Quốc tế (IBC), ông Alexey Miller, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, tuyên bố dự trữ khí đốt của Nga, trữ lượng khí đốt của Gazprom, là lớn nhất trên thế giới và Nga sẽ không gặp vấn đề về nguồn cung trong suốt 100 năm tới.

Đồng thời, ông Miller nhấn mạnh Gazprom là tập đoàn năng lượng thân thiện với môi trường nhất thế giới và Gazprom đang có kế hoạch duy trì danh hiệu này.

Theo ông Miller, sản lượng thặng dư của Gazprom có khả năng đáp ứng nhu cầu cao điểm lên tới 150 tỷ mét khối khí tự nhiên và khả năng tăng đáng kể sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng cao là lợi thế cạnh tranh của Gazprom.

Ông Miller cũng nói rằng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc hiện đang phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc tăng 15,5%, trong khi lượng nhập khẩu tăng 23,8%.

Trung Quốc nộp đơn đăng ký gia nhập CPTPP

Theo thông cáo đăng trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 16/9 đã gửi đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Demien O'Connor.

Cũng theo thông cáo, bộ trưởng hai nước đã điện đàm để trao đổi về những công việc tiếp theo liên quan đến việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập hiệp định này.

CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trị giá 26.000 tỷ USD và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada trị giá 21.100 tỷ USD.

Việc Trung Quốc tham gia sẽ đưa CPTPP trở thành hiệp định thương mại tự do có giá trị nhất từng được ký kết. Hiện 11 nước thành viên CPTTP có tổng giá trị kinh tế trị giá khoảng 13.500 tỷ USD, tương đương khoảng 13% GDP toàn cầu.

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, việc gia nhập CPTPP cần phải có sự phê chuẩn của tất cả 11 quốc gia thành viên, trong khi Trung Quốc hiện có tranh chấp thương mại với một số nước thành viên như Australia, Canada. Bên cạnh đó, 2 nước này cùng Nhật Bản, New Zealand cũng có quan hệ mật thiết với Mỹ.

Mỹ tuyên bố tặng thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới

Tờ Washington Post hôm 17/9 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch tặng thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới vào tuần tới, thời điểm khai mạc phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.

Hiện chưa rõ hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer này sẽ được Mỹ tặng trực tiếp cho các nước hay thông qua cơ chế phân phối COVAX được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn.

Nhà Trắng hiện chưa bình luận về thông tin. Phát ngôn viên hãng dược Pfizer Amy Rose từ chối xác nhận, song cho biết công ty "cam kết làm tất cả những gì có thể để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và hợp lý với vaccine Pfizer".

Mỹ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu xác nhận các mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19, bao gồm việc đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm phòng vào năm 2022.

Tổ chức Y tế Thế giới thời gian gần đây đã kêu gọi các quốc gia giàu có như Mỹ ngừng việc triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho đến khi những người dễ bị tổn thương hơn ở các quốc gia khác được tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ lập luận rằng họ vẫn có thể thực hiện chiến dịch tiêm mũi tăng cường đồng thời với việc viện trợ vaccine cho các nước khác.

Mỹ cho tới nay đã tài trợ 140 triệu liều vaccine Covid-19 cũng như tuyên bố về việc mua hơn 500 triệu liều vaccine để tặng các nước khác trong năm nay và năm 2022.

Xem thêm >> Vướng bê bối chỉnh sửa dữ liệu để nâng hạng cho Trung Quốc, WB ‘dẹp’ báo cáo Doing Business

Từ khoá: CPTPP, Trung Quốc, Nga,
Tin mới lên