Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nhật Bản xả nước thải Fukusima, BRICS kết nạp 6 thành viên mới

(VNF) - Tuần qua, Trung Quốc và Nhật Bản leo thang căng thẳng sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau nhiều tháng bấp bênh về tình hình chính trị sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, chính phủ Thái Lan có tân thủ tướng cũng là sự kiện đáng chú ý.

Thế giới tuần qua: Nhật Bản xả nước thải Fukusima, BRICS kết nạp 6 thành viên mới

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ nhà máy Fukushima từ ngày 24/8.

BRICS kết nạp 6 thành viên mới

Ngày 24/8, khối BRICS đã đồng ý kết nạp Arab Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) làm thành viên mới, nhằm đẩy nhanh nỗ lực cải tổ trật tự thế giới mà họ coi là "lỗi thời".

Đây là quyết định mở rộng lần đầu tiên trong 13 năm hoạt động của khối. Quyết định được lãnh đạo các quốc gia đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kéo dài 3 ngày của khối tại ở Johannesburg (Nam Phi).

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết 6 ứng cử viên mới sẽ chính thức trở thành thành viên vào ngày 1/1/2024. Ông Ramaphosa nói: “BRICS đã bắt tay vào một chương mới trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng. Chúng tôi có sự đồng thuận về giai đoạn đầu tiên của quá trình mở rộng này và các giai đoạn khác sẽ tiếp theo”.

Với 5 thành viên ban đầu là Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc, BRICS giờ đây có tổng cộng 11 thành viên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc mở rộng thành viên của khối, cho biết: “Việc mở rộng thành viên này mang tính lịch sử. Nó cho thấy quyết tâm của các nước BRICS về sự thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn".

Việc mở rộng sẽ tăng thêm sức mạnh kinh tế cho BRICS, với các thành viên hiện tại là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Tuy nhiên, việc kết nạp thành viên mới cũng có thể đem tới nhiều xung đột do các quốc gia trong khối mang những quan điểm khác nhau về mối quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Nhật Bản xả nước thải Fukushima

Ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào Thái Bình Dương. 

Chính phủ Nhật Bản đã ký kết kế hoạch này 2 năm trước và đã được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc "bật đèn xanh" vào tháng trước. Việc xả thải là một bước quan trọng trong việc ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi sau khi nó bị trận sóng thần phá hủy vào năm 2011.

Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) - chịu trách nhiệm vận hành nhà máy Fukushima Daiichi, cho biết nước ban đầu sẽ được xả thành từng phần nhỏ hơn và được kiểm tra thêm, với tổng lượng xả đầu tiên là 7.800 m3 trong khoảng 17 ngày bắt đầu từ 24/8.

Theo Tepco, lượng nước đó sẽ chứa khoảng 190 becquerel triti mỗi lít, thấp hơn giới hạn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 becquerel mỗi lít. Becquerel là một đơn vị đo độ phóng xạ.

Mặc dù phía Nhật Bản khẳng định việc xả nước là an toàn, việc này vẫn gây nên những phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo đó, ngay sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước, phía Trung Quốc đã thông báo đình chỉ toàn bộ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Nhật Bản “nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên”.

Thái Lan có tân Thủ tướng

Ngày 22/8, ông Srettha Thavisin, giám đốc của một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Thái Lan, đã được bầu làm tân thủ tướng nước này, mở đường cho một chính phủ liên minh mới và chấm dứt nhiều tuần bất ổn và bế tắc chính trị tại "xử sở chùa vàng".

Ông Srettha, 61 tuổi, đã giành được 482 phiếu bầu trong cuộc họp chung giữa hai viện của Quốc hội Thái Lan với 747 nhà lập pháp vào chiều 22/8.

Mặc dù ông Srettha không phải là thành viên quốc hội, nhưng hiến pháp Thái Lan cho phép bầu ra một Thủ tướng không phải là thành viên quốc hội nếu không có liên minh nào có thể nhất trí về việc ai sẽ đảm nhận vai trò này.

Đáng chú ý, ông Srettha đã giành được phiếu bầu tại quốc hội để trở thành tân thủ tướng chỉ vài giờ sau khi người sáng lập Đảng Pheu Thai trở lại Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong.

Ông Srettha có thể thành lập nội các của mình sau khi việc bổ nhiệm của ông được Vua Maha Vajiralongkorn xác nhận trong Công báo Hoàng gia.

Thủ lĩnh Wagner thiệt mạng

Ngày 23/8, phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã thiệt mạng sau một vụ rơi máy bay ở phía bắc thủ đô Moscow (Nga).

Ông Yevgeny Prigozhin.

Tờ Rosaviatsia cho biết máy bay thương mại Embraer, bay từ Moscow đến St. Petersburg, đã bị rơi ở vùng Tver. Trên máy bay có 10 người, bao gồm 3 thành viên phi hành đoàn, toàn bộ đều thiệt mạng. Chuyến bay được thực hiện trên cơ sở giấy phép sử dụng không phận được cấp theo cách thức quy định.

Cơ quan chức năng Nga đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông và hoạt động vận tải hàng không.  

Trước khi thiệt mạng, đầu tuần này, ông Prigozhin đã đăng video chiêu binh đầu tiên của mình kể từ cuộc binh biến, nói rằng Wagner đang tiến hành các hoạt động trinh sát và tìm kiếm, đồng thời “làm cho nước Nga trở nên vĩ đại hơn trên tất cả các châu lục và châu Phi thậm chí còn tự do hơn”.

Xem thêm >> 'Cách mạng' xe máy điện tại Ấn Độ: 90 giây lắp ráp xong xe mới

Tin mới lên