Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu, Triều Tiên 'hứng' trừng phạt vì vệ tinh

(VNF) - Những thông tin xung quanh việc Triều Tiên phóng vệ tinh, Hội nghị COP28 cũng như chiến sự Israel - Hamas tiếp tục là tâm điểm chú ý trong tuần vừa qua.

Lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas hết hạn

Bắt đầu từ ngày 24/11, lệnh ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và lực lượng hồi giáo Hamas (Palestine) đã được duy trì trong vòng 7 ngày và chính thức kết thúc vào sáng 1/12 (giờ địa phương). Lệnh ngừng bắn ban đầu dự kiến diễn ra trong 4 ngày, nhưng đã được gia hạn 2 lần và kéo dài thành 7 ngày.

Lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas hết hạn vào sáng 1/12.

Thời gian ngừng bắn cho phép 2 bên trao đổi hàng chục con tin trong tay Hamas lấy hàng trăm phạm nhân trong nhà tù Israel, đồng thời tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Được biết, tổng số người được trả tự do trong thời gian ngừng bắn lên tới 240 tù nhân Palestine và 105 con tin Israel.

Một giờ trước khi lệnh ngừng bắn kết thúc lúc 7h ngày 1/12 (12h giờ Hà Nội), Israel tuyên bố đánh chặn quả rocket được phóng từ Gaza. Còi báo động rocket cũng vang lên ở các khu vực của Israel gần Gaza vài phút trước khi hết thời hạn. Tiếng súng đã vang lên tại miền bắc Dải Gaza ngay sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tiếc nuối khi giao tranh tái diễn giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza ngày 1/12, đồng thời hy vọng hai bên thiết lập lại thỏa thuận ngừng bắn.

Cùng ngày, Qatar, nước làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn vừa kết thúc, đã kêu gọi quốc tế hành động nhanh chóng để ngăn chặn bạo lực ở Dải Gaza.

Hội nghị COP28 khai mạc tại UAE

Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức khai mạc tại thành phố Dubai của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12 với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt để cộng đồng quốc tế điều chỉnh hướng đi và tăng tốc hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

COP28 được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất trong 8 năm qua về ứng phó biến đổi khí hậu, bởi đây là lần đầu tiên các bên chính thức đánh giá những nỗ lực trong việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 70.000 người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây.

Trong các ngày 1-2/12, Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới đã diễn ra, được xem là nền tảng đưa ra các tuyên bố quan trọng và tạo động lực cho các hội nghị còn lại của COP28.

COP28 sẽ thảo luận một chương trình nghị sự dày đặc, với hàng loạt các chủ đề quen thuộc từ khí hậu, tài chính, thương mại, năng lượng, môi trường, thiên nhiên, đại dương, nông nghiệp và nước… nhằm tìm kiếm các biện pháp cụ thể để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, xây dựng khả năng phục hồi và huy động tài chính trên quy mô lớn.

Ngoài ra, hai chủ đề mới sẽ được thảo luận tại COP năm nay là sức khỏe và cứu trợ, với mục đích thúc đẩy các chính sách và đầu tư nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế, hỗ trợ khả năng phục hồi và sự ổn định của cộng đồng.

Các nguyên thủ quốc gia chụp ảnh chung tại UAE, trong khuôn khổ hội nghị COP28.

Triều Tiên bị trừng phạt vì phóng vệ tinh

Tiếp nối vụ việc Triều Tiên phóng một tên lửa mang vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo vào ngày 21/11, tuần này, Bình Nhưỡng đã hứng chịu những lệnh trừng phạt mới đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Australia và Nhật Bản. 

Theo đó, ngày 1/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với 11 cá nhân của Triều Tiên có liên quan việc phát triển vệ tinh và tên lửa đạn đạo. Tương tự, các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đưa ra những biện pháp trừng phạt tương tự trong cùng ngày. 

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên 4 nước trên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vào cùng một thời điểm.

Đáp lại lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các đồng minh, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi Lực lượng Không quân nước này tăng cường năng lực phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu tác chiến.

Động đất 7,5 độ richter tại Philippines

Rạng sáng ngày 2/12 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã xảy ra tại khu vực đảo Mindanao của Philippines, với tâm chấn nằm ở độ sâu 63 km, kích hoạt cảnh báo sóng thần tại một loạt khu vực khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản.

Đến ngày 3/12, chỉ vài giờ sau trận động đất trên đảo Mindanao, 4 dư chấn có độ lớn lần lượt 6,4; 6,2; 6,1 và 6,0 độ richter đã làm rung chuyển khắp khu vực. Nhà chức trách đã tiến hành sơ tán cộng đồng cư dân trên đảo Mindanao.

Tại thành phố Hinatuan, 45.000 cư dân được lệnh di tản đến những vùng đất cao hơn. Trong khi đó, tại thành phố Butuan, một bệnh viện đã phải sơ tán để đảm bảo an toàn.

Rất may, các cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ, trong khi chưa có thông báo cụ thể về thương vong sau các trận động đất được đưa ra. Philippines nằm dọc "Vành đai lửa" Thái Bình Dương trải dài từ Nhật Bản tới Đông Nam Á và qua vùng lòng chảo Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chất và núi lửa.

Cách đây gần 2 tuần, cũng trên đảo Mindanao xảy ra trận động đất có độ lớn 6,7 khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, các tòa nhà rung lắc mạnh và một phần mái của một trung tâm mua sắm đổ sập.

Khung cảnh sau trận động đất tại đảo Mindanao, Philippines vào 2 tuần trước.

OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu

Ngày 30/11, Nga thông báo nước này sẽ nâng mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện đến 500.000 thùng/ngày và kéo dài quyết định đến hết quý I/2024.

Cùng ngày, Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày "cho đến hết quý đầu tiên của năm 2024". Riyadh đã thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu nêu trên kể từ tháng 7 năm nay.

Các quyết định này được đưa ra sau hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (gọi là OPEC+) với lý do “duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ”. Hội nghị ban đầu dự kiến tổ chức vào ngày 26/11, nhưng đã được lùi lại tới ngày 30/11.

Xem thêm >> Hàn Quốc - Triều Tiên thêm căng thẳng, Phần Lan đóng cửa khẩu biên giới với Nga

Tin mới lên