Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Xung đột Israel - Hamas trải qua cột mốc mới

(VNF) - Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) diễn ra trong tuần này là tâm điểm chú ý của toàn thế giới, bên cạnh các sự kiện kinh tế - chính trị quan trọng khác.

Thế giới tuần qua: Xung đột Israel - Hamas trải qua cột mốc mới

CEO OpenAI Sam Altman tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thuỵ Sĩ).

Hội nghị Davos 2024

Trong thời gian từ ngày 15-19/1/2024, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 đã diễn ra tốt đẹp tại Davos (Thuỵ Sĩ).

Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 với khoảng 3.000 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế, đánh dấu mức tham dự còn cao hơn cả trước thời kỳ đại dịch Covid-19.

Đại diện Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội vào ngày 16/1 để lên đường tham dự Hội nghị.

Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", hội nghị diễn ra 5 ngày này tập trung vào 4 ưu tiên chính, gồm tăng cường hợp tác trong một thế giới ngày càng phân mảnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm trong thời kỳ mới, các biện pháp đưa trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội và thiết lập chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. 

Trong 5 ngày làm việc, các đại biểu tham dự đã liên tục tham dự nhiều phiên họp và đưa ra các đề xuất với chương trình nghị sự xoay quanh 4 nội dung chính. 

Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh vai trò của diễn đàn trong việc khơi dậy "tinh thần đoàn kết" trên toàn cầu, đồng thời khẳng định hợp tác có thể đem lại những kết quả tích cực và có ý nghĩa.

"Trong thời kỳ đầy thách thức và khó lường, hợp tác là con đường duy nhất và chắc chắc để có thể định hình một thế giới ổn định, công bằng và có khả năng chống chịu trước những biến động trong tương lai", ông Borge Brende nói.

Đan Mạch bước vào triều đại mới

Ngày 14/1, Nữ hoàng Margrethe II thoái vị cho con trai là Thái tử Frederik, Đan Mạch chính thức bước vào một triều đại mới.

Chiều 14/1 (giờ địa phương), Nữ hoàng Margrethe II rời nơi ở của mình tại Cung điện Amalienborg của Copenhagen để đi xe ngựa một đoạn ngắn đến Cung điện Christiansborg, trụ sở của chính phủ và quốc hội.

Tại Cung điện, lúc 14h, Nữ hoàng tuyên bố thoái vị, kết thúc 52 năm trị vì của mình trước mặt Hội đồng Nhà nước. Thái tử Frederik sau đó được Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố là Vua Frederik X trên ban công của Cung điện Christiansborg.

Hàng chục nghìn người đã tập trung trên đường phố thủ đô Đan Mạch vào ngày 14/1 để chào đón vị vua mới và chia tay Nữ hoàng Margrethe, bất chấp thời tiết lạnh giá. Đúng 15h, cánh cửa ban công Christiansborg mở ra và Vua Ferederik bước ra, vẫy tay chào đám đông đang bắn pháo giấy, mở sâm panh và vẫy quốc kỳ.

Các chuyên gia về hoàng gia Đan Mạch nói rằng mặc dù Vua Frederik X được công chúng yêu mến nhưng ông sẽ phải đối mặt với những thách thức khi đăng quang, đồng nghĩa với việc trở thành vua và nguyên thủ quốc gia Đan Mạch, Greenland và Quần đảo Faroe.

Vua Frederix X của Đan Mạch.

Xung đột Israel - Hamas vượt qua cột mốc 100 ngày

Ngày 15/1/2024, cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, bùng phát hôm 7/10/2023, đã kéo dài 100 ngày, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

100 ngày sau các trận oanh tạc dữ dội nhất thế giới từng chứng kiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những con số thống kê cho thấy mức độ thiệt hại khủng khiếp tại Dải Gaza. Gần 24.000 người Palestine thiệt mạng, chiếm khoảng 1% dân số Dải Gaza. 359.000 ngôi nhà (tương đương 60%) bị hư hại hoặc phá hủy.

Hơn 80% trong số 2,3 triệu người dân ở Gaza mất nhà cửa, phải đi di tản triền miên từ khu vực này tới khu vực khác. Khoảng 25% dân số Gaza đang bị đói. Chỉ 15 trong số 36 bệnh viện tại vùng đất này còn hoạt động một phần.

Một hệ lụy nguy hiểm khác từ cuộc chiến tại Dải Gaza là khiến cho bất ổn gia tăng nghiêm trọng tại khu vực Biển Đỏ. Một mặt trận đối đầu quân sự mới đã chính thức mở ra tại đây giữa nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Yemen là Houthi và liên quân của Mỹ cùng các đồng minh. Houthi công khai tuyên bố rằng các cuộc tấn công của mình nhằm mục tiêu gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch ở Dải Gaza.

Chiến sự tại Gaza còn làm bùng phát vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng tại khu Bờ Tây khiến hàng nghìn người Palestine thương vong, đồng thời kéo theo làn sóng tấn công vũ trang với tần suất chưa từng có nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.

Ngoài tác động trực tiếp tới an ninh khu vực trên thực địa, cuộc xung đột Israel - Hamas còn khiến nhiều mối quan hệ bang giao quốc tế rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Nhật Bản hoàn thành sứ mệnh mặt trăng

Rạng sáng 20/1, tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản đã hạ cánh thành công trên bề mặt mặt trăng, giúp Tokyo trở thành quốc gia thứ 5 hoàn thành sứ mệnh mặt trăng. 

SLIM, hay Nhiệm vụ Tàu đổ bộ thông minh để điều tra mặt trăng, hay gọi tắt là SLIM, đã hạ cánh thành công trên mặt trăng vào lúc 0:20 ngày 20/1 (giờ Nhật Bản). Tàu vũ trụ robot SLIM quy mô nhỏ, được ra mắt vào tháng 9/2023, có biệt danh là “Moon Sniper” (Tạm dịch: Xạ thủ mặt trăng) vì nó mang công nghệ mới để chứng minh khả năng hạ cánh chính xác.

Kỳ tích này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 đặt chân lên mặt trăng, sau Nga (lúc đó là Liên Xô), Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Năm ngoái, Ấn Độ đã gia nhập danh sách đổ bộ lên mặt trăng với sứ mệnh Chandrayaan-3.

Nhật Bản cũng là quốc gia thứ 3 trong thập kỷ này hoàn thành sứ mệnh mặt trăng, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Được biết, Chính phủ cũng như các công ty tư nhân Nhật Bản đã thực hiện hơn 50 nỗ lực hạ cánh lên mặt trăng với nhiều thành công khác nhau kể từ những nỗ lực đầu tiên vào đầu những năm 1960.

Mặc dù đã thành công hạ cánh trên mặt trăng, nhưng JAXA cho biết pin mặt trời của tàu vũ trụ SLIM không tạo ra điện.

Hiện tại, tàu đổ bộ đang hoạt động với nguồn pin hạn chế, dự kiến ​​chỉ hoạt động trong vài giờ và nhóm JAXA đang phân tích dữ liệu để xác định nguyên nhân gây ra sự cố pin mặt trời và các bước tiếp theo cho tàu đổ bộ.

Mô phỏng hình ảnh tàu SLIM của Nhật Bản đổ bộ trên mặt trăng.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023

Trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa mục tiêu “khoảng 5%” của chính phủ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết ngày 16/1.

Theo NBS, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng trưởng 1% trong quý cuối năm 2023 so với quý trước do các nỗ lực kích thích của Bắc Kinh để ngăn chặn nền kinh tế trượt khỏi quỹ đạo.

Ông Zhu Tian, giáo sư của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải, cho biết: “Mức tăng trưởng 5,2% hàng năm đạt được dựa trên mức cơ sở thấp của năm trước đó”.

Đầu tư bất động sản, vốn là lực cản lớn cho quá trình phục hồi sau Covid-19, đã giảm 9,6% vào năm 2023.

Sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến sự phục hồi của khu vực tư nhân, vốn là xương sống của tăng trưởng và tạo việc làm, khi đầu tư vào lĩnh vực này giảm 0,4% trong năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, trọng tâm đã chuyển sang năm 2024, với niềm tin của nhà đầu tư suy yếu, thị trường bất động sản sụt giảm, khu vực tư nhân yếu kém và rủi ro giảm phát đè nặng lên triển vọng của kinh tế Trung Quốc.

Xem thêm >> Nền kinh tế Trung Quốc 'sa lầy' trong cuộc khủng hoảng 4D

Tin mới lên