Thị trường

Theo dấu thương cảng cổ: Thanh Hà, cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong

Được thành lập từ năm 1636, thương cảng Thanh Hà đã phát triển trở thành một phố cảng sầm uất, là cửa ngõ giao thương hàng đầu của đô thành Phú Xuân trong các thế kỷ XVII, XVIII.

Theo dấu thương cảng cổ: Thanh Hà, cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong

Thương cảng Thanh Hà thế kỷ XVII

Trung tâm giao thương lớn của Đàng Trong

Thương cảng Thanh Hà ra đời trong bối cảnh đất nước chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài sau chiến tranh Trịnh Nguyễn. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn tập trung mọi nỗ lực để khẳng định mình như một vương quốc độc lập, mở mang lãnh thổ, phát triển kinh tế – đô thị, mở rộng quan hệ quốc tế, giao lưu văn hóa.

Thương cảng Thanh Hà hình thành ngay sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ Phúc An vào Kim Long, lúc mà sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong bắt đầu thời thịnh trị.

Nó nằm ở một vị trí có đặc điểm địa lý rất thuận lợi, cách kinh thành Huế 4 km, cách cửa biển Thuận An khoảng 10 km ở về phía tả ngạn sông Hương. Làng Minh Hương được hình thành từ thế kỷ XVI bởi những người Việt, đến đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn cho các thương nhân đầu tiên của người Hoa đến định cư, lập phố buôn bán. Dân dần hình thành nên phố chợ và cảng thị bên bờ sông Hương, mang tên Thanh Hà.

Với địa điểm lý tưởng như vậy, thương cảng Thanh Hà trở thành giao điểm cho các luồng thương mại trong và ngoài nước, giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế, trao đổi hàng hóa của xứ Đàng Trong.

Trong thời kì từ thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XVIII, Thanh Hà là thương cảng sầm uất, là nơi giao thương của Đàng Trong với các nước trên thế giới mà điển hình là Trung Hoa và Phương Tây. Thời đó, phố Thanh Hà phần lớn đều nằm trong tay của người Hoa nên còn có tên gọi là Đại Minh Khách Phố. Phố bao gồm những cửa hàng, cửa hiệu, các đại lý xuất nhập khẩu và những nhà cho thuê dành cho thương khách ở xa, chủ yếu là thương nhân Trung Quốc mới đến.

Trong giai đoạn này, Phố Thanh Hà sánh ngang với phố Hội An là một trong hai trung tâm giao thương lớn của Đàng Trong. Phố Thanh Hà ra đời và hoạt động thương mại trong những lợi thế về giao thông đường thủy nối liền hai miền nam bắc của đất nước với đường hàng hải của thế giới. Đây là thời kỳ xuất hiện các cường quốc hàng hải và thương mại quốc tế như Hà Lan, Anh, Pháp…

Phố Thanh Hà là một trong hai trung tâm giao thương lớn của Đàng Trong

Bên cạnh đó, nó còn gắn liền với nền sản xuất hàng hóa của địa phương với nhiều đặc sản quý hiếm được thương nhân nhiều nước ưa chuộng như hồ tiêu, cau, trầm hương, yến sào, đường… Ở đây cũng có nhiều mặt hàng thủ công như gốm, dệt, đúc đồng là những mặt hàng xuất khẩu chính của thương cảng Thanh Hà.

Trong “Phủ biên tạp lục”, một cuốn sách ghi chép về tình hình kinh tế, xã hội xứ Đàng Trong, Lê Quý Đôn cho biết: “các kho của phủ chúa luôn chứa đựng các mặt hàng quý hiếm của Đàng Trong để xuất khẩu qua cảng Thanh Hà như: vàng, trầm hương, yến sào, ngà voi, đồi mồi, đường phèn, đường cát, đậu xanh, nước mắm, muối, vải trắng, chiếu, giấy, sừng tê, ngà voi, gỗ mun, lá buôn, hồ tiêu…”

Hàng nhập khẩu ở Thanh Hà chủ yếu là các mặt hàng cung cấp cho triều đình như đồ đồng, kẽm, hợp kim do thương khách từ Nhật Bản, Trung Quốc chở đến. Theo sử sách ghi lại, chỉ trong vòng hai năm mà thuyền Ma Cao chở đến Thanh Hà 15 vạn cân hợp kim pha kẽm để đúc tiền.

Nơi đây còn là thị trường mua bán vũ khí sôi động. Khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đạt đến đỉnh điểm của sự khốc liệt (1627-1672), súng đạn của các thương khách Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản, được chúa Nguyễn rất săn đón.

Tiếp đó là các nguyên liệu, các mặt hàng cao cấp phục vụ cho cung đình và quan lại ở dinh phủ của chúa. Người Hà Lan và các tàu phương Tây khác mang nhiều thứ ngọc quý đến bán ở Thanh Hà, người Anh mang các mặt hàng len, dạ đến bán. Người Trung Quốc mang các mặt hàng cao cấp như lụa, gấm, vóc, len, dạ, đồ sứ, đồ sành, đồ gốm, giấy, tranh, tre, chè và các dược liệu như sa hoàng, mộc hương, hoàng liên, nhân sâm.

Thanh Hà không chỉ là thương cảng quốc tế mà còn đóng vai trò một trung tâm giao thương quan trọng của xứ Đàng Trong. Hàng năm, nhà nước trưng dụng hàng trăm chiếc thuyền chở gạo từ Đồng Nai, Gia Định ra cung cấp cho dinh phủ Phú Xuân và bán cho nhân dân Thuận Hoá. Từ Hội An có nhiều mặt hàng dân dụng của phương Tây được thương nhân người Hoa mang ra bán ở Thanh Hà.

Thời kỳ suy thoái của thương cảng Thanh Hà

Từ cuối thế kỷ XVIII, dưới thời quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786), Phú Xuân không còn là đô thành, Thanh Hà không còn đóng vai trò trung tâm thương mại của xứ Đàng Trong nên tình hình buôn bán ở đây bị giảm sút.

Đến thời Tây Sơn (1786-1801), Phú Xuân là trung tâm lãnh đạo của phong trào, là kinh đô sau khi đất nước xóa bỏ chia cắt Đàng Trong- Đàng Ngoài. Những lợi thế đó cùng với chính sách mở rộng ngoại thương của vua Quang Trung với nhà Thanh và phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh) tạo điều kiện cho thương cảng Thanh Hà được phục hồi và phát triển ở một tầm cao mới.

Tuy nhiên, do biến động tự nhiên làm xuất hiện cồn nổi ở giữa sông Hương đoạn ngang qua bến cảng Thanh Hà nên tàu thuyền khó cập bến; thuyền buôn đến Phú Xuân phân tán qua nhiều bến cảng, Thanh Hà dần vắng bóng thương nhân. Đến cuối thời Tây Sơn, cư dân buôn bán ở phố Thanh Hà chuyển dần về phía chợ Dinh và Bao Vinh. Cảng Thanh Hà dần vào dĩ vãng.

Khi mà thương cảng Thanh Hà đã bị bồi lắng, nằm lùi sâu vào đất liền thì Bao Vinh đón lấy cơ hội đó để hội tụ doanh nhân trở thành khu thương mại lớn của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX. Bao Vinh có những yếu tố thuận lợi: cận thị, cận giang, cận lộ, cận kinh và cận Thanh Hà nên đảm bảo cho sự chuyển dịch và phát triển doanh thương. Trong đó, ưu thế vẫn là cảng sâu tiện lợi cho tàu thuyền cập bến.

Dù hiện tại, Thanh Hà không còn dáng dấp của một trung tâm thương mại xưa (chỉ còn lại một làng nông nghiệp mang tên Minh Thanh) nhưng thương cảng sầm uất Thanh Hà vẫn mãi đi vào lịch sử thương mại Việt Nam và tiến trình phát triển đô thị thời phong kiến như một trong những mốc son thịnh vượng tỏa sáng hơn hai thế kỷ.

 

Tin mới lên