Thép Nam Kim: Lợi nhuận tăng 4,9 lần, vay nợ lớn đầu tư Nhà máy Phú Mỹ
(VNF) - Lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm của Thép Nam Kim đạt hơn 460 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch 420 tỷ đồng cả năm 2024 mà ĐHĐCĐ đã đề ra.
Vượt kế hoạch sau 6 tháng
Kết thúc quý II, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) tiếp tục ghi nhận một kỳ kinh doanh khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần quý II đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 2,9% so với mức thực hiện quý II/2023. Biên lãi gộp đi ngang, lợi nhuận gộp tăng 3% so với cùng kỳ, đạt gần 512 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính đem về cho NKG hơn 113 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về hoạt động này. Thông thường, các khoản thu như lãi tiền gửi, lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận được chia, thu nhập từ bán chứng khoán, bán các khoản đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá,… sẽ được hạch toán vào doanh thu tài chính.
Trong kỳ, các khoản chi như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm lần lượt 44% và 19,7% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 70 tỷ đồng và 32,6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng ghi nhận tăng 17,6%, đạt hơn 251 tỷ đồng.
Chốt quý II, NKG báo lãi sau thuế hơn 219 tỷ đồng, tăng mạnh 75% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023, tăng 46% so với quý I/2024.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần của NKG ghi nhận hơn 10.951 tỷ đồng, tăng 10,9%. Trong đó, khoảng cách giữa doanh thu nội địa và xuất khẩu ngày càng lớn. Nếu như quý II/2023, tỷ trọng doanh thu nội địa và xuất khẩu là 42% và 58%, thì quý II/2024, 2 con số này lần lượt là 32% và 68%, cho thấy NKG đã đẩy mạnh kênh xuất khẩu so với việc tiêu thụ trong nước.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 369 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,9 lần và 4,9 lần so với nửa đầu năm 2023.
Lý giải về sự tăng trưởng của kết quả kinh doanh, NKG cho biết sản lượng tăng đã làm chi phí sản xuất bình quân giảm, nhờ đó biên lãi gộp cải thiện thêm 3,4 điểm phần trăm. Lợi nhuận gộp 6 tháng cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 70% so với cùng kỳ.
Năm 2024, NKG lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với mức thực hiện cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137,3% so với thực hiện trong năm 2023. Như vậy chỉ sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận và hoàn thành khoảng 50% kế hoạch doanh thu.
Nhà máy Phú Mỹ có thể là gánh nặng tài chính
Về triển vọng của NKG, giới phân tích đánh giá nhà máy Phú Mỹ sẽ là một trong những động lực dài hạn của doanh nghiệp thép này. NKG đã bắt đầu những khâu góp vốn và pháp lý đầu tiên cho giai đoạn 1 của dự án nhà máy Phú Mỹ, thông qua việc chào bán hơn 130 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm thu về hơn 1.500 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con thực hiện dự án này.
Được biết, nhà máy Phú Mỹ của NKG được đặt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm với công suất 300.000 tấn/năm và 150,000 tấn/năm, cùng dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Dự kiến quý IV/2025 – quý I/2026, nhà máy Phú Mỹ sẽ bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027.
Theo Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ, việc xây dựng nhà máy nhằm đón đầu sự hồi phục kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2025-2026. Nhà máy sẽ tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng cao hơn, phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí phụ trợ, điện gia dụng và công nghiệp ô tô.
Theo Công ty Chứng khoán DSC, việc xây dựng nhà máy, nâng công suất là bước đi hợp lý của ban lãnh đạo NKG để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Mặc dù vậy, năng lực tài chính của NKG không thực sự mạnh, trong khi việc xây dựng một đại dự án cần dựa vào vốn vay rất lớn.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu của dự án là 4.500 tỷ đồng, bao gồm 30% vốn của nhà đầu tư (1.350 tỷ đồng) và 70% vốn vay (3.150 tỷ đồng). DSC cho rằng chi phí lãi vay có thể tăng 13% CAGR bắt đầu từ cuối năm 2023 đến năm 2026.
Mặc dù vậy, DSC kỳ vọng áp lực tài chính trên sẽ được giải quyết hiệu quả bởi tình hình kinh doanh của NKG có thể khởi sắc hơn khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới cùng sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu trở nên dần rõ rệt.
Tính đến hết quý II/2024, nợ vay của NKG đạt hơn 4.791 tỷ đồng, đi ngang so với thời điểm đầu năm. Khoản nợ vay này đang chiếm khoảng 37% tổng tài sản của NKG và lớn hơn gấp 1,8 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Chấm dứt dự án Nhà máy ống thép Nam Kim Chu Lai
- Thép Nam Kim (NKG): Doanh thu quý I giảm 39%, thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp 04/05/2023 08:38
- Thép Nam Kim lỗ gần gấp đôi sau kiểm toán 30/03/2023 11:44
- Thép Nam Kim: Lợi nhuận âm sau gần 10 năm không biết lỗ 23/01/2023 11:09
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.