Ngành hot lương khủng
IoT (viết tắt của từ “Internet of Things”) là một trong các trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. IoT giúp định hướng kết nối những thiết bị, công cụ, đồ vật trong đời sống hàng ngày với Internet để con người có thể giao tiếp, truy cập điều kiện, thu thập được thông tin và quản trị các thiết bị đó nhằm làm tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng.
Hiểu một cách đơn giản, nếu ngày trước máy lạnh cắm điện vào là sử dụng, không có khái niệm truyền tin. Tuy nhiên khi các kỹ sư gắn máy lạnh với Internet, trên mỗi thiết bị này sẽ có một bộ vi xử lý. Vì thế, người dùng có thể kiểm soát nhằm bật/tắt, điều khiển máy lạnh mà không nhất thiết phải có mặt ở đó.
Insider Intelligence dự báo sẽ có hơn 64 tỷ thiết bị IoT được cài đặt trên toàn thế giới vào năm 2026. Ngoài ra các công ty và người tiêu dùng sẽ chi gần 15.000 tỷ USD cho các thiết bị, giải pháp và hệ thống hỗ trợ IoT từ năm 2018 đến năm 2026. Cùng năm này thị trường IoT có thể đạt 3.000 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, theo Deloitte, số người dùng thiết bị IoT hiện đại dưới 4 triệu Con số này dự kiến tăng lên gần 15 triệu vào năm 2027. Theo thống kê của Research and Market, đến năm 2027, dự báo quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Với đà phát triển của IoT, cơ hội nghề nghiệp cho vị trí kỹ sư lập trình nhúng IoT (Embedded Engineer) đang rất rộng mở.
Tại Việt Nam, nếu tìm kiếm vị trí này trên các trang chuyên tuyển dụng, bạn sẽ nhận thấy hàng loạt các tập đoàn, công ty về viễn thông - điện tử - công nghệ tuyển dụng như FPT, Samsung, VinFast…
Để chiêu mộ nhân tài, những nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả mức lương khủng để sở hữu được các ứng viên chất lượng. Theo Salary Expert, mức lương trung bình của một kỹ sư lập trình nhúng ở Việt Nam là 604 triệu đồng/năm, tương ứng 50 triệu đồng/năm. Với kỹ sư có kinh nghiệm 1-3 năm, khởi điểm lương đạt 429 triệu đồng/năm, tương ứng 35 triệu đồng/tháng. Mặt khác, một kỹ sư phần mềm nhúng cấp có kinh nghiệm trên 8 năm, mức lương có thể đạt 762 triệu đồng/năm, tương ứng 63 triệu đồng/tháng.
Cũng theo Báo cáo lương IT 2022-2023 do ITviec thực hiện, với sự tham gia trả lời khảo sát của 1257 chuyên gia IT Việt Nam, mức lương của một kỹ sư lập trình nhúng dưới 1 năm có thể đạt 15 triệu đồng/tháng. Từ 1 đến dưới 3 năm kinh nghiệm, mức lương trung bình là 37 triệu đồng/tháng. Đối với nhân sự từ 5 đến 8 năm, thu nhập dao động 41 triệu đồng/tháng.
Thực tế, để tìm kiếm ứng viên có từ 1,5 năm kinh nghiệm tại vị trí này, FPT Software đang đang trả mức lương lên đến 2800 USD/tháng, tương ứng 68 triệu đồng. Hiện, mức lương này đang được FPT trả cao hơn so với mức lương trung bình của ngành này với cùng số năm kinh nghiệm.
Học gì để làm kỹ sư lập trình nhúng?
Nhiều trường ĐH top đầu trong khối ngành Kỹ thuật đều đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT với mức điểm đầu vào khá cao. Cụ thể, chương trình tiên tiến Hệ thống nhúng thông minh và IoT của ĐH Bách khoa HN năm 2023 lấy điểm chuẩn là 26,45, đồng nghĩa với việc thí sinh cần đạt 8,8 điểm/môn mới đỗ. Năm 2021 và 2022 mức điểm chuẩn của ngành này tại ĐH Bách khoa là 26,93 điểm và 24,14 điểm.
Tại Học viện Bưu chính Viễn thông cơ sở đào tạo phía Bắc, hệ thống nhúng IoT là một chuyên ngành của ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông. Ngành này vừa lấy điểm chuẩn 25,68 trong mùa tuyển sinh vừa qua và 25,6 điểm vào năm 2022. Còn tại cơ sở đào tạo phía Nam, ngành Công nghệ IoT mới tuyển sinh từ năm 2022, có điểm chuẩn 20,7 và 21,7 trong 2 năm gần đây.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng là một ngôi trường công lập tại phía Nam đào tạo ngành này. Điểm chuẩn ngành Hệ thống nhúng và IoT năm 2023 tăng hơn 1 điểm so với năm 2022 (từ 24,75 tăng lên 25,8 điểm). Năm 2021 là thời điểm ngành này có mức điểm chuẩn cao nhất trong những năm gần đây (26,5 điểm).
ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng có mức điểm chuẩn “dễ thở” trong các trường đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT. Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng của trường này lấy 21 điểm năm 2023 và 22,25 điểm năm 2022. Chương trình Tiên tiến Việt - Mỹ Hệ thống nhúng và IoT mới tuyển sinh lấy 20,33 điểm năm nay.
Ngoài các cơ sở đào tạo công lập trên, một số ĐH tư, quốc tế cũng “đón đầu” xu hướng, đào tạo ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực IoT như ĐH FPT, ĐH Phenikaa, ĐH Swinburne Việt Nam,...