Thiếu tin tưởng khi giao dịch điện tử vì chưa có khái niệm rõ ràng về chữ ký điện tử

Thanh Tâm - 30/09/2021 17:29 (GMT+7)

(VNF) - Đại diện Vụ Pháp luật dân sự ‐ kinh tế, Bộ Tư pháp kiến nghị Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”.

VNF
Thiếu tin tưởng khi giao dịch điện tử vì chưa có khái niệm rõ ràng về chữ ký điện tử

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2006, sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT cùng với các luật chuyên ngành đã đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, Luật GDĐT đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.

Tại buổi tọa đàm đối thoại chính sách “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 29/9, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự ‐ kinh tế, Bộ Tư pháp, chỉ ra một số bất cập còn tồn tại của Luật GDĐT 2005 như: các quy định về phạm vi điều chỉnh của luật quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; thiếu quy định trong Luật GDĐT về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về bản gốc, bản chính, bản sao trong pháp luật truyền thống.

Một điểm đáng chú ý khác được TS. Lưu Hương Ly chỉ ra đó là từ khi Luật GDĐT 2005 được ban hành đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định hướng dẫn về chữ ký số mà chưa ban hành bất kỳ quy định nào để giải thích về chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua liên quan đến tính an toàn của chữ ký điện tử mà không phải là chữ ký số, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử, sự nhầm lẫn giữa chữ ký điện tử và chữ ký số, thậm chí quan niệm chỉ có chữ ký số mới được coi là an toàn và có giá trị pháp lý.

Vì lẽ đó, đại diện Vụ Pháp luật dân sự ‐ kinh tế, Bộ Tư pháp kiến nghị Luật GDĐT (sửa đổi) cũng cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”. Trong đó, cần quy định rõ chữ ký số cũng chỉ là một loại chữ ký điện tử an toàn.

Đồng thời, Luật GDĐT (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được coi là chữ ký điện tử an toàn. Cụ thể, cần quy định rõ chữ ký điện tử an toàn là chữ ký số (đáp ứng các điều kiện nhất định) hoặc chữ ký do các bên thoả thuận và đáp ứng các điều kiện nhất định. Về điều kiện để một chữ ký điện tử được coi là an toàn và tin cậy, có thể tham khảo quy định tại Luật mẫu của UNCITRAL về Chữ ký điện tử được UNCITRAL thông qua ngày 5/7/2001, trong đó đề cao nguyên tắc trung lập về công nghệ, công nhận giá trị của chữ ký điện tử không phụ thuộc vào loại công nghệ được sử dụng trong giao dịch. 

Song song với đó, cũng cần đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký điện tử an toàn theo hướng chữ ký điện tử an toàn có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh ngược lại. Trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn có thể có cách hiểu hay giải thích pháp luật khác nhau, khi đó Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành nghị quyết hay án lệ để giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định hướng dẫn về chữ ký số mà chưa ban hành bất kỳ quy định nào để giải thích về chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, trưởng khoa Luật, trường Đại học Kinh tế quốc dân, để phát triển kinh tế số thời gian tới, nhà nước cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Cùng với đó, sớm ban hành các quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số như xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số, cấp giấy phép từ cơ quan quản lý.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đoàn Tử Tích Phước, đồng sáng lập, trưởng đại diện văn phòng phía Bắc của Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trên di động dưới thương hiệu MoMo (gọi tắt ví điện tử MoMo), cho biết việc thực thi pháp luật trên không gian mạng hiện nay rất rộng và đang nổi cộm lên rất nhiều vấn đề.

Theo ông Phước, vấn đề thứ nhất đó là liên quan tới khung pháp lý; thứ hai là khi có khung pháp lý rồi thì việc triển khai thế nào cho đúng và thứ ba là các chế tài đối với doanh nghiệp nếu làm sai trên không gian mạng.

Đại diện ví điện tử MoMo cho rằng không gian mạng cũng cần đặt ra những quy định, phân nhóm khác nhau cho các chế tài khác nhau. Trường hợp nếu không phân loại được thì về mặt kỹ thuật cũng sẽ không khả thi, bởi khi có hàng triệu lượt giao dịch diễn ra trong cùng một thời điểm thì rất khó phân loại giao dịch, trong khi các giao dịch đó phải có chữ ký số hay đảm bảo các tiêu chuẩn khác thì tất yếu sẽ dẫn đến nghẽn mạng.

Một vấn đề được ông Phước chỉ ra đó là khi lập được những nhóm điều kiện khác nhau (phân loại các giao dịch 10.000 đồng, 20.000 đồng, 200.000 đồng,…) thì chữ ký số có còn cần thiết nữa hay không.

“Chúng tôi cũng từng gặp phải trường hợp này. Cụ thể, nếu cần lập chữ ký số thì sẽ phải gửi yêu cầu trích xuất sang đơn vị cung cấp chữ ký số thứ ba, sau đó lại trả về cho doanh nghiệp. Quy trình này thường bị lỗi từ 10-15% và thậm chí còn cao hơn nếu số lượng giao dịch tăng lên”.

“Đây là vấn đề doanh nghiêp mong muốn những nhà làm luật cần phải nghĩ đến”, ông Phước bày tỏ.

Xem thêm: Giải pháp chữ ký số điện tử MobiCA góp phần xây dựng chính phủ điện tử

Cùng chuyên mục
Tin khác