Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Nguồn gốc tên gọi Thủ Đức
Căn cứ vào các di tích và sử liệu còn ghi lại có thể xác định rằng, địa danh Thủ Đức lấy từ tên hiệu “Thủ Đức” của ông Tạ Dương Minh còn gọi là Tạ Huy, một người có công lao với vùng đất này thời mới khai hoang, lập ấp khoảng những năm 1679-1725.
Tương truyền, ông Tạ Huy vốn là thủ lĩnh của thiểu số người Hoa “bài Thanh phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi ráo riết nên lẩn tránh, di cư sang Việt Nam, xin thần phục nhà Nguyễn và tự nguyện làm thần dân nước Việt.
Với chính sách “chiêu dân lập ấp” rộng rãi của triều đình lúc bấy giờ, ông Tạ Huy đã được thu nhận. Tại vùng Linh Chiểu Đông xưa kia, ông đã cùng một số cư dân người Việt, người Champa, người Chân Lạp khai khẩn đất hoang, mở rộng canh tác rồi lập nghiệp.
Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông Tạ Huy cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn thời bấy giờ
Hiện nay, tại thị trấn Thủ Đức vẫn còn ngôi mộ cổ của ông Tạ Huy. Mộ nằm trên gò đất cao so với các vùng xung quanh của phường Linh Chiểu, cách chợ Thủ Đức khoảng 500 mét.
Ngôi mộ có kiến trúc theo hình voi phục với 2 vòng tường trong ngoài bao quanh. Gắn liền phần chân mộ là tấm bia đá granit khắc 37 chữ Hán với nội dung: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông nước Đại Nam. Ông mất ngày 19/6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2/1890”. Ngôi mộ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2007.
Lịch sử hành chính
Từ lúc còn sơ khai, địa bàn vùng đất Thủ Đức tương ứng với phần lớn huyện Ngãi An thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An (Thủ Đức) được chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định.
Năm 1911, tỉnh Gia Định được chia thành bốn quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn. Quận Thủ Đức có 6 tổng: An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy và Long Vĩnh Hạ.
Năm 1945, tổng An Thành được giải thể, các làng thuộc tổng này sáp nhập vào hai tổng An Bình và Long Vĩnh Hạ. Năm 1955, quận Thủ Đức có 5 tổng và 19 làng. Năm 1956, các làng được gọi là xã. Quận lỵ Thủ Đức đặt tại xã Linh Đông Xã, thuộc Tổng An Điền.
Từ năm 1957-1975, trải qua một quá trình giải thể và sáp nhập, quận Thủ Đức có có tất cả 15 xã trực thuộc: Tam Bình Xã, Long Bình, Long Phước Thôn, Long Thạnh Mỹ, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, An Phú, Linh Xuân Thôn, Phước Long Xã, Linh Đông Xã, Long Trường, Tăng Nhơn Phú, Hiệp Bình Xã, Phước Bình. Lúc bấy giờ, quận Thủ Đức có diện tích vào khoảng 200 km² với dân số là 184.989 người.
Năm 1975, huyện Thủ Đức được thành lập trên cơ sở toàn bộ quận Thủ Đức cũ thời Việt Nam Cộng hòa, thuộc TP Sài Gòn – Gia Định. Chính quyền chuyển xã Linh Đông Xã thành thị trấn Thủ Đức; đổi tên năm xã: Tam Bình Xã thành Tam Bình, Long Phước Thôn thành Long Phước, Linh Xuân Thôn thành Linh Xuân, Phước Long Xã thành Phước Long và Hiệp Bình Xã thành Hiệp Bình.
Đến năm 1976, huyện Thủ Đức trở thành huyện trực thuộc TP Hồ Chí Minh. Huyện Thủ Đức nhận thêm hai xã An Khánh và Thủ Thiêm vốn là hai phường của quận 9 giải thể, nhập về.
Năm 1987, huyện Thủ Đức thành lập thêm các xã mới, nâng tổng số lên 22 xã và 1 thị trấn.
Năm 1997, huyện Thủ Đức được phân chia thành 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo nghị định 03/CP của Chính Phủ ban hành ngày 6/1/1997.
Ngày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích trên 211 km2 với quy mô dân số hơn một triệu người; nằm giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
TP. Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
TP. Thủ Đức và khát vọng phát triển
TP. Thủ Đức là cửa ngõ phía đông của TP. Hồ Chí Minh, có nhiều tuyến đường giao thông lớn, huyết mạch kết nối trung tâm thành phố với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ.
TP. Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP. Hồ Chí Minh. TP. Thủ Đức được kỳ vọng là “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP. Hồ Chí Minh nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng.
Chủ tịch UBND TP. HCM, Nguyễn Thành Phong cho biết: “ Việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. TP. Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP. HCM và 7% GDP cả nước”.
Theo đề án của Chính phủ, TP. Thủ Đức sau khi được thành lập dự kiến sẽ hình thành tám trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Cụ thể là Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Fulbright, ĐH Nông Lâm và các đại học lân cận…); Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.