Thu nghìn tỷ tiền lãi, 'ông lớn' ngành thép bơm tiền cho dự án tương lai
(VNF) - Ngành thép bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhiều doanh nghiệp rộn ràng báo lãi, cũng như tái khởi động, rót thêm tiền vào các dự án lớn được cho sẽ mang về nguồn thu bền vững trong tương lai.
Thu lời đậm trong quý II
Đúng như dự đoán của giới phân tích thời điểm đầu năm về việc ngành thép bước sang 1 chu kỳ tăng trưởng mới, hàng loạt doanh nghiệp thép mới đây đã rộn ràng công bố các khoản lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ.
Quán quân về lợi nhuận phải kể đến Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG), với lãi sau thuế 3.319 tỷ đồng trong quý II, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm thép chiếm tỷ trọng lớn nhất về cả doanh thu và lợi nhuận, đóng góp lần lượt 96% và 91%. Tính trung bình mỗi tháng, HPG đều đặn “đút túi” hơn nghìn tỷ đồng lợi nhuận.
“Ông trùm tôn mạ”, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng báo lãi quý III niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/4 – 30/6) hơn 273 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần mức thực hiện cùng kỳ niên độ trước. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ việc gia tăng doanh thu và quản lý tốt chi phí đầu vào. Với sự hồi phục của kết quả kinh doanh, HSG vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra ngay từ quý III.
Tương tự, kết quả hoạt động của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng vượt qua kỳ vọng của ban lãnh đạo khi hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận chỉ trong 6 tháng đầu năm. Doanh nghiệp báo lãi quý II hơn 219 tỷ đồng, tăng mạnh 75% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023. Lý giải về sự tăng trưởng của kết quả kinh doanh, NKG cho biết sản lượng tăng đã làm chi phí sản xuất bình quân giảm, nhờ đó biên lãi gộp cải thiện thêm 3,4 điểm phần trăm. Lợi nhuận gộp 6 tháng cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 70% so với cùng kỳ.
Cũng trong mảng tôn mạ, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) không nằm ngoài sự phục hồi của ngành, báo lãi quý II hơn 171 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của GDA trong khoảng 10 quý trở lại đây, kể từ quý II/2022. Theo doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ đến từ việc quản lý tốt chi phí tài chính, cũng như sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) – doanh nghiệp vẫn đang ngụp lặn trong thua lỗ giai đoạn 2022-2023 cũng ghi nhận vào báo cáo tài chính khoản lãi sau thuế gần 130 tỷ đồng trong quý II, cao gấp 2,8 lần quý liền trước và cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 284 tỷ đồng cùng kỳ. Theo đó, TVN đã cải thiện mạnh mẽ doanh thu lên mức hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên cũng được nâng cao khi phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt hơn 51 tỷ đồng, dù cùng kỳ lỗ tới 367 tỷ đồng.
Trong bức tranh rực rỡ của ngành thép khi bước sang chu kỳ tăng trưởng mới của năm 2024, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng của giai đoạn sụt giảm trước. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC), Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) là 2 doanh nghiệp ngành thép thua lỗ hơn trăm tỷ đồng trong quý II vừa qua do kinh doanh dưới giá vốn. Khá khẩm hơn, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) vẫn đạt biên lãi gộp dương, nhưng không “gánh” nổi các khoản chi phí trong kỳ, dẫn đến lỗ sau thuế 95 triệu đồng trong quý II.
Gia tăng đầu tư cho tương lai
Trong bối cảnh ngành thép rộn ràng bước sang một chương mới, nhiều doanh nghiệp đã mạnh mẽ rót thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án đang thực hiện dở dang. Đơn cử như HPG, doanh nghiệp này đã rót thêm 20.000 tỷ đồng vào “quả đấm thép”, tăng giá trị đầu tư vào dự án khu liên hợp Gang thép Dung Quất lên mức hơn 42.384 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Tổng vốn đầu tư của dự án được công bố ở mức 85.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và 35.000 tỷ đồng từ vốn vay. Giới phân tích nhận định khu liên hợp Gang thép Dung Quất sẽ là trụ cột tăng trưởng cho giai đoạn 2025-2035 của HPG. Trong trường hợp chạy hết công suất, dự án có thể mang về 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Dự kiến đến cuối năm 2024, những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 sẽ được đưa ra thị trường. Theo HPG, khi hoàn thành dự án, năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm.
NKG cũng đã tái khởi động dự án nhà máy Nam Kim Phú Mỹ từ đầu năm 2024, bắt đầu những khâu góp vốn và pháp lý đầu tiên cho giai đoạn 1 thông qua việc chào bán hơn 130 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm thu về hơn 1.500 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con thực hiện dự án này.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy Nam Kim Phú Mỹ được dự kiến xây dựng từ quý IV/2022, tuy nhiên doanh nghiệp phải tạm dừng triển khai vì những lo ngại liên quan đến sản lượng tiêu thụ thấp.
Được biết, nhà máy có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm với công suất 300.000 tấn/năm và 150,000 tấn/năm, cùng dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Dự kiến quý IV/2025 – quý I/2026, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027. Theo Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ, việc xây dựng nhà máy nhằm đón đầu sự hồi phục kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2025-2026.
GDA tại phiên họp thường niên hồi cuối tháng 6 vừa qua đã trình cổ đông về việc tiếp tục triển khai đầu tư nhà máy sản xuất thép lá mạ với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng, chia làm 4 giai đoạn. Dự án này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua và sẽ bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2024.
Tới quý II/2026, nhà máy dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động thương mại. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất 300.000 tấn sản phẩm tôn mạ chất lượng cao mỗi năm, phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Hiện, nguồn vốn vay ngân hàng đã được sắp xếp sơ bộ 2.500 tỷ đồng, chiếm trên 60% cơ cấu vốn dự án.
Không nằm ngoài xu hướng, “ông trùm tôn mạ” HSG cũng phát tín hiệu quay trở lại một dự án đã dang dở gần một thập kỷ. Vào đầu tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp đã chấp thuận tăng vốn cho công ty con – Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái thêm 200 tỷ đồng, từ mức 421 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng.
Ngay sau đó, HSG đã phát đi thông báo về việc chào thầu thi công hoàn thiện kiến trúc và nội thất dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái. Trước các động thái này của doanh nghiệp, giới phân tích cho rằng dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái sẽ sớm được hồi sinh và về đích sau nhiều năm thực hiện.
Ngay từ đầu năm 2024, HSG đã tiết lộ về định hướng quay trở lại mảng bất động sản khi công bố tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ
- Hoà Phát: Mỗi tháng lãi hơn nghìn tỷ, đổ thêm 20.000 tỷ rèn ‘quả đấm thép’ 01/08/2024 11:00
- HSG: lợi nhuận quý tăng 19 lần, vượt kế hoạch cả năm tài chính 27/07/2024 09:15
- Thép Nam Kim: Lợi nhuận tăng 4,9 lần, vay nợ lớn đầu tư Nhà máy Phú Mỹ 30/07/2024 11:45
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.