Tiêu điểm

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: ‘Chưa bao giờ dự báo kinh tế khó khăn như bây giờ’

(VNF) – Ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã “than thở” như vậy khi trả lời câu hỏi của báo giới về dự báo kinh tế Việt Nam trong 2 quý cuối năm 2020.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: ‘Chưa bao giờ dự báo kinh tế khó khăn như bây giờ’

Ông Trần Quốc Phương

Theo ông Phương, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam hiện nay có quá nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là diễn biến của dịch bệnh.

“Ngay cả việc giả định kế hoạch mở cửa của các nước cũng rất khó, diễn biến dịch phức tạp khiến có những kế hoạch bị đổ vỡ, thời điểm mở cửa bị lùi, thậm chí mở rồi lại đóng. Thực tế hiện nay kết quả dự báo của các tổ chức cũng rất khác nhau”, ông Phương nói.

Nhìn nhận về kinh tế 2 quý cuối năm, ông Phương cho biết trong báo cáo sơ kết 6 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dự báo nếu Việt Nam xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ hai thì tác động tới nền kinh tế sẽ là “rất ghê gớm”.

“Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, không để dịch lây lan, dồn mọi nguồn lực chống dịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa tăng trưởng”, ông Phương cho hay.

Bước đầu đánh giá về tác động của “làn sóng dịch thứ hai” tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra hai ngành bị tác động mạnh nhất là du lịch và vận tải.

“Nhiều khu du lịch đóng cửa, các hãng lữ hành, hàng không bị hủy chuyến, hủy hợp đồng. Ngành du lịch lữ hành, tháng 7 rồi có bước tăng trưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới vừa được 1 tháng đã bị tác động”, ông Phương nói và cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung nghiên cứu, thu thập số liệu để có dự báo về tác động của đợt dịch này tới nền kinh tế.

Trước đó, kết luận tại phiên họp thường kì của chính phủ hôm nay (3/8), thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 3 rủi ro, thách thức của Việt Nam hiện nay là: dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước; thiên tai, lũ lụt đã và có nguy cơ diễn ra.

Nhấn mạnh quyết tâm tăng trưởng, thủ tướng cho rằng kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, cho các doanh nghiệp.

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng, GDP sẽ tăng thêm 0,4%, do đó thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.

Ông nhấn mạnh coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020 và sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định.

Ngoài ra, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của thủ tướng chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố, bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp…

Tin mới lên