Thừa Thiên Huế: Liên danh Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình 'rộng cửa' trúng thầu dự án 2.400 tỷ
Văn Tuân - Hoàng Hiệp -
14/03/2022 15:53 (GMT+7)
(VNF) - Là nhà thầu duy nhất tham dự Gói thầu Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình đang "rộng cửa" trúng thầu khi là nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa tiến hành đóng/mở qua mạng Gói thầu số 10 thuộc Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An.
Gói thầu số 10, Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An được phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng từ ngày 15/2 - 8/3/2020, bao gồm toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1); bảo hiểm xây lắp; đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình, có giá dự toán 2.088,527 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 2.400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Theo biên bản mở thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình đề xuất hiệu lực của hồ sơ đề xuất kỹ thuật là 180 ngày; thời gian thực hiện hợp đồng 1.095 ngày.
Với lợi thế dự thầu không đối thủ, 3 thành viên trong liên danh đang có cơ hội lớn được trao hợp đồng gói thầu nêu trên.
Được biết, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An có tổng chiều dài khoảng 127 km. Trong đó, cầu qua cửa biển Thuận An dự kiến khoảng 2,3 km. Điểm đầu tại Tỉnh lộ thuộc xã Điền Hương, huyện Phong Điền (giáp thôn Thâm Khê, xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); điểm cuối tại chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn, thông suốt với các tuyến đường bộ vùng ven biển hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế và của quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Hé mở liên doanh 3 nhà thầu
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam (có trụ sở đóng tại lô 5A, 5B, khu đô thị mới Đại lộ V.I. Lê Nin, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) được thành lập năm 2004, do ông Nguyễn Trọng Long (trú tại Yên Thành, Nghệ An) sở hữu 99,6% cổ phần.
Tân Nam là nhà thầu quen mặt ở Nghệ An, những năm qua đã tham gia hàng chục dự án lớn nhỏ, như liên danh cùng Công ty Cổ phần Tổng công ty Xây dựng Nghệ An, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tân Hoàng Long thi công Gói thầu số 01 tại dự án Tuyến nối Quốc lộ 1A đi Thị xã Cửa Lò đoạn Quánh Hành - Chợ Sơn; Gói thầu số 17 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cầu Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi, với giá trúng thầu là 2.064 tỷ đồng (liên danh với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620)…
Theo ghi nhận, 3 năm trở lại đây, doanh thu bình quân của Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam đạt 596 tỷ đồng. Tháng 2/2022 vừa qua, Công ty được trao hợp đồng Gói thầu xây lắp số 17 Dự án Tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, giá trị 534,028 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty đang cùng lúc triển khai ít nhất 3 gói thầu giao thông trọng điểm khác, gồm: Gói thầu XL02 thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) (giá trúng thầu 1.133,752 tỷ đồng); Gói thầu XL04 thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (giá trúng thầu 1.139,53 tỷ đồng); Gói thầu XL03 thuộc Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 (giá trúng thầu 1.407,603 tỷ đồng).
Cùng tham gia liên doanh gói thầu trên còn phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG), có trụ sở chính đóng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được biết đến là nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây lắp giao thông; thuỷ điện. Doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng giai đoạn 2018 - 2020 ghi nhận ở mức 1.507 tỷ đồng.
Công ty từng góp mặt trong liên danh thi công các công trình giao thông như: Gói thầu số 07 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính, TP. Hải Phòng (giá trúng thầu 913,52 tỷ đồng); Gói thầu số 14 Toàn bộ phần thi công xây dựng thuộc Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, tỉnh Thừa Thiên Huế (giá trúng thầu 765,682 tỷ đồng); Gói thầu XL01 Thi công đường dẫn phía Tiền Giang đoạn Km101+126-Km104+190 - Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giá trúng thầu 590,28 tỷ đồng)...
Doanh nghiệp thứ 3 tham gia liên doanh gói thầu trên được nhắc tới là Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình cũng có địa chỉ đóng tại Hà Nội. 479 Hòa Bình từng nằm trong liên danh thi công Gói thầu số 11 Xây dựng cầu Đài Xuyên 2, cầu Vân Tiên và đoạn đường nối giữa hai cầu thuộc Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, tổng giá trị hợp đồng 1.021,798 tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone