Tiền vẫn đổ về ngân hàng, lãi suất tiếp tục đà tăng mạnh?
(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng trở lại, tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2024.
Tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh về ngân hàng
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến tháng 6/2024, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế ước đạt 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Dựa trên báo cáo tài chính quý II/2024, lũy kế nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hút tiền gửi, trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Cụ thể, đứng đầu nhóm Big4 là Agribank với tổng số dư tiền gửi tính đến cuối tháng 6/2024 là 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Theo sau là BIDV với 1,81 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 6% so với đầu năm. Hai ngân hàng còn lại là VietinBank và Vietcombank với số dư tiền gửi là 1,47 triệu tỷ đồng (tăng 4% so với đầu năm) và 1,37 triệu tỷ đồng (giảm 1,5% so với đầu năm).
Ở khối ngân hàng tư nhân, MB dẫn đầu với tổng số dư tiền gửi là 617.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với đầu năm. Cùng với đó, các ngân hàng khác như Sacombank, ACB, Techcombank, SHB cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng về số dư tiền gửi trong nửa đầu năm 2024.
Dù không nằm trong top 10 ngân hàng dẫn đầu về huy động tiền gửi nhưng LPBank và MSB lại là cái tên dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng với mức tăng lần lượt là 21,3% và 14,6% so với đầu năm, lên 288.000 tỷ đồng và 152.000 tỷ đồng.
Lượng tiền gửi vào các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng từ đầu quý II đến nay. Theo thống kê mới nhất, hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 2 – 4%/năm, kỳ hạn từ 6 – 12 tháng dao động từ 4 – 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên vượt mốc 6%/năm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn, buộc các ngân hàng chuyển hướng tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn cũng như nâng tính cạnh tranh.
Kịch bản cho những tháng cuối năm
Trong báo cáo mới nhất của MBS, lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11.2% so với cùng kỳ, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54,7 trong tháng 7. Đầu tư công và tư nhân lần lượt tăng 2,3% trong 7 tháng năm 2024 và 6,7% trong 6 tháng đầu năm.
Các chuyên gia của MSB dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2 - 5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Các chuyên gia của VDSC cũng cho rằng, lãi suất huy động đã giảm đầu năm và mới phục hồi lại từ tháng 4 với mức thay đổi bình quân là 0,45 - 0,70 điểm % so với cuối quý 1. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 9 - 12 tháng bình quân đã trở lại mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hơn chỉ còn thấp hơn 0,15 - 0,3 điểm % so với cuối năm 2023. Các chuyên gia của VDSC kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5 - 1 điểm %.
Đồng quan điểm, chứng khoán KBVS cũng cho rằng lãi suất huy động tiền đồng trong thời gian tới không thể hạ nhiệt trong bối cảnh cầu tín dụng tăng và NHNN duy trì lãi suất liên ngân hàng ở nền cao.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư trước mắt vẫn sẽ nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn và chưa phục hồi thực sự.
Big 4 nhập cuộc, đường đua lãi suất thêm 'nóng'
- Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng, khách hàng lo lắng cú tăng 'sốc' 12/08/2024 01:30
- Lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi 05/08/2024 10:54
- Ngân hàng Nhà nước đồng loạt điều chỉnh 2 loại lãi suất quan trọng 05/08/2024 08:17
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.