Tài chính quốc tế

Tổ chức Minh bạch Quốc tế yêu cầu EU dứt khoát với chương trình 'hộ chiếu vàng'

(VNF) - Chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của một số nước châu Âu khiến Tổ chức Minh bạch Quốc tế lo ngại nơi đây có thể sẽ trở thành thiên đường cho tham nhũng và tội phạm.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế yêu cầu EU dứt khoát với chương trình 'hộ chiếu vàng'

Hộ chiếu đảo Síp đứng thứ 8 trong danh sách 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế ngày 26/8 đã đề nghị Ủy ban châu Âu có động thái dứt khoát với chương trình CIP (còn được gọi là “hộ chiếu vàng”) của các nước thành viên trong khối.

Động thái được đưa ra ngay sau khi hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) ngày 24/8 công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến năm 2019.

Al Jazeera cho biết để nhận "hộ chiếu vàng" của Síp theo chương trình CIP, các cá nhân cần có khoản đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (khoảng 2,2 triệu USD) vào bất động sản hoặc vào một công ty có trụ sở tại Síp.

Theo bảng xếp hạng hộ chiếu năm 2019 (Passport Index), hộ chiếu đảo Síp đứng thứ 8 trong danh sách 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới vì cho phép người sở hữu đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp châu Âu. Những người giữ hộ chiếu Sip cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực.

Theo Al Jareeza, trong khoảng thời gian từ 2017-2019, có hơn 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn để mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” này. Được biết, chương trình này đã giúp Síp thu về khoảng 7 tỷ euro, tương đương 7,8 tỷ USD.

Các hồ sơ xin "đầu tư" vào Síp đến từ Nga nhiều nhất, kế đến là Trung Quốc, Urkaine và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á.

Tổng thống Síp Nicos Anastasiades cho biết, khoản tiền đó đã góp phần giúp đất nước hồi phục mạnh mẽ từ thời điểm gần như phá sản.

Điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Síp có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng.

Trong số hơn 1.400 cá nhân mua hộ chiếu vàng của Síp có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia.

Phản ứng trước loạt điều tra của Al Jazeera, Bộ Nội vụ Síp ngày 24/8 cho biết đang xem xét sự việc và khẳng định đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chương trình CIP trong những năm gần đây.

EU hồi tháng 1/2019 cảnh báo Síp và các quốc gia khác tăng cường thủ tục thanh kiểm tra do lo ngại công dân các quốc gia thứ 3 có thể lợi dụng chương trình để rửa tiền và lách luật thuế.

Sau đó, Síp đã sửa đổi chương trình CIP vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, những người đã sở hữu hộ chiếu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Xem thêm >> 3.700 người Thụy Điển dương tính giả Covid-19 do bộ xét nghiệm Trung Quốc lỗi

Tin mới lên