Tài chính quốc tế

Tòa tháp chọc trời dang dở ở Los Angeles, 'biểu tượng' khủng hoảng BĐS Trung Quốc

(VNF) - Oceanwide Plaza - một khu phức hợp do Trung Quốc đầu tư, từng được kỳ vọng trở thành niềm tự hào mới của thành phố không ngủ Los Angeles (Mỹ). Tuy nhiên, dự án này giờ đã bị bỏ ngang với số phận bất định khi ít nhất 20 tầng nhà bị vẽ graffiti.

Tòa tháp chọc trời dang dở ở Los Angeles, 'biểu tượng' khủng hoảng BĐS Trung Quốc

Dự án tỷ USD của Trung Quốc tại trung tâm thành phố Los Angeles (Mỹ) đã phải dừng lại do nhà đầu tư hết tiền.

Niềm tự hào dở dang

Khi kế hoạch phát triển Oceanwide Plaza được công bố vào năm 2015, nó được coi là biểu tượng hoàn hảo cho thời kỳ phục hưng của trung tâm thành phố Los Angeles, California, Mỹ.

Dự án này là một khu phức hợp dân cư và bán lẻ bao gồm 3 tòa tháp ở trung tâm thành phố Los Angeles, đối diện với nhà thi đấu Crypto.com Arena và Trung tâm Hội nghị Los Angeles, thuộc sở hữu của nhà phát triển Trung Quốc Oceanwide Holdings.

Những nhà đầu tư Trung Quốc đặt mục tiêu dự án với tầm nhìn trị giá 1 tỷ USD, gồm 500 căn hộ sang trọng, khách sạn Park Hyatt 5 sao và không gian bán lẻ - tất cả đều tọa lạc ở vị trí đắc địa, ngay đối diện với sân vận động nơi đội LA Lakers chơi bóng rổ. Một màn hình LED dài 700 feet sẽ bao quanh tòa nhà, mang lại nhịp đập cho điểm đến giải trí đang phát triển.

Tuy nhiên, ngày nay Oceanwide Plaza vẫn chưa hoàn thành và công ty đầu tư của nó đã hết tiền. Thay vì là một điểm đến hàng đầu ở trung tâm thành phố, Oceanwide đã trở thành một vấn đề khó chịu đối với các quan chức Los Angeles, những người đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng vô gia cư và tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng.

Ba tòa tháp chưa hoàn thiện của Oceanwide được bao phủ bởi tác phẩm của những người vẽ graffiti. Tháng 1 năm nay, khi lễ trao giải Grammy được tổ chức tại Crypto.com Arena, những người vẽ graffiti tại Oceanwide và 3 toà tháp này đã trở thành một đề tài bàn tán sôi nổi trên toàn thế giới.

Người ta ước tính có ít nhất 27 tầng của khu dự án bị các bức graffiti bao phủ tính tới tháng 2, và con số này có vẻ sẽ tăng thêm khi ngày càng có nhiều người đam mê phun sơn chữ nghệ thuật tìm tới địa điểm "vườn không nhà trống" này.

Cận cảnh một trong 3 toà tháp thuộc Oceanwide Plaza bị vẽ graffiti.

Đối với thị trưởng Los Angeles Karen Bass, đây là giọt nước tràn ly cuối cùng. 

“Tôi đảm bảo với bạn rằng bi kịch sẽ xảy ra ở đó nếu nơi đó không được lấp đầy nhanh chóng. Chủ sở hữu nên hoàn trả cho thành phố từng xu”, bà Bass nói với một đài truyền hình địa phương.

Thành phố đã cho Oceanwide thời hạn cuối tuần này để đảm bảo an ninh cho khu vực xung quanh dự án.

Kevin De León, một thành viên hội đồng thành phố Los Angeles, gọi Oceanwide Plaza là “con mắt đen trên một khu vực sống động” của trung tâm thành phố Los Angeles. Ông De León cho biết, bên cạnh việc vẽ bậy và nhảy dù, còn có trộm đột nhập ăn cắp dây đồng của toà nhà, đồng thời kêu gọi Oceanwide xây dựng hàng rào vững chắc xung quanh địa điểm, thuê thêm lực lượng an ninh, xóa bỏ hình vẽ bậy và dọn sạch không gian công cộng đã bị dự án cản trở.

Nếu Oceanwide Holdings không thể thực hiện yêu cầu từ phía Los Angeles hoặc đưa ra phản hồi tương ứng, các quan chức thành phố cho biết họ sẽ tìm cách đòi lại số tiền ước tính 3,8 triệu USD từ công ty Trung Quốc.

Viễn cảnh nào sẽ xảy ra?

Các vấn đề bắt đầu khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt và Oceanwide Holdings cũng bị loại khỏi chỉ số Hang Seng Midcap của Hong Kong vào năm 2017.

Không ngoài dự đoán, 2 năm sau, công việc tại Oceanwide Plaza dừng lại khi các nhà thầu phàn nàn về các hóa đơn chưa thanh toán.

Các tòa tháp dang dở của Oceanwide Plaza là một ví dụ điển hình về việc Trung Quốc cắt giảm vốn và đầu tư vào bất động sản Mỹ do tranh chấp thương mại giữa 2 quốc gia, đi kèm là cuộc "thanh trừng" của Bắc Kinh đối với tín dụng và tháo chạy vốn.

Vào ngày 3/1/2024, Oceanwide Holdings đã nộp giấy tờ lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, thông báo rằng họ sẽ giải thể tập đoàn và chỉ định người thanh lý. Nỗ lực tiếp cận đại diện China Oceanwide Holdings qua điện thoại và email đều không thành công. 

Trong trường hợp phía nhà thầu Trung Quốc không thể thực hiện các yêu cầu của thành phố, và chính quyền Los Angeles phải chịu trách nhiệm bảo vệ địa điểm này, câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Donald Spivack, cựu thành viên của Cơ quan Tái phát triển Cộng đồng của LA, người hiện đang là giảng viên của Đại học Nam California, cho biết các quan chức thành phố dường như không muốn tiếp quản địa điểm này cho lắm.

"Thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm về các vụ tai nạn và các vấn đề khác tại nơi làm việc. Tôi nghi ngờ liệu chính quyền có muốn cố gắng tiếp quản tài sản này hay không. Đó sẽ là một vấn đề lớn và tôi cho rằng thành phố sẽ không muốn vướng vào, trở thành chủ sở hữu tài sản", ông Donald Spivack cho biết.

Trong khi đó, một số luồng ý kiến cho rằng thành phố có thể tiếp quản dự án và chuyển đổi thành nhà ở cho người vô gia cư và người thu nhập thấp, đặc biệt khi khu phức hợp nằm cách quận Skid Row của Los Angeles, nơi có khoảng 6.000 người vô gia cư sinh sống, chưa đầy 2 dặm. 

Tuy nhiên, tòa nhà đã bị bỏ dở trong gần 5 năm và có thể phải mất tới một năm sửa chữa mới có thể tiếp tục xây dựng. Việc hoàn thiện sau đó có thể mất thêm 1-2 năm nữa. 

Ông Spivack nói: “Xét về việc đây là một giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng nhà ở mà chúng ta đang gặp phải, tôi nghĩ nó không thực tế. Đây không phải là nơi bạn có thể vào đó, chắp vá một chút và biến nó thành nơi cư trú cho người vô gia cư chỉ trong 6 tháng".

Đồng quan điểm trên, Richard Schave, nhà sử học, nhà bảo tồn và hướng dẫn viên du lịch ở Los Angeles, cho biết còn có những trở ngại khác đối với ý tưởng biến tòa nhà thành nhà ở cho người vô gia cư. Nhà sử học này cũng cho rằng thành phố còn có thể xem xét phá dỡ các toà nhà, dù nó là một quy trình hết sức phức tạp, phát thải khổng lồ tại một địa điểm giữa trung tâm thành phố.

Xem thêm >> Khủng hoảng BĐS, Trung Quốc dư nhà ở cho 150 triệu người

Tin mới lên