Tài chính

Toàn cảnh dự án Discovery Complex Hoàng Quốc Việt vừa vào danh sách thanh tra

(VNF) - Vừa qua, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra nhằm mục đích tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh dự án Discovery Complex Hoàng Quốc Việt vừa vào danh sách thanh tra

Dự án Discovery Complex Hoàng Quốc Việt

Các thành viên đoàn thanh tra gồm gồm Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các sở, ngành Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Thanh tra thành phố, Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố và đại diện UBND 11 quận, huyện nơi có địa điểm sử dụng đất của đối tượng thanh tra.

Thời gian thanh tra là 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra, không kể ngày nghỉ và ngày lễ. Theo quyết định, danh sách gồm 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện, gồm Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.

Có nhiều dự án lớn thuộc đối tượng thanh tra như dự án chung cư Discovery Complex 3 tại số 254 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm. Dự án có tên đăng ký trên giấy phép xây dựng là "trung tâm xúc tiến và văn phòng cho thuê" do Công ty Cổ phần Familia làm chủ đầu tư.

"Ông chủ" Discovery Complex là ai?

Công ty Cổ phần Familia có mã số doanh nghiệp 0101217880, được thành lập ngày 13/3/2002 tại Hà Nội, tiền thân là Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Trước năm 2017, Chủ tịch hội đồng quản trị là ông Trần Đức Minh.

Được biết, ông Trần Đức Minh quê ở Hà Nam, là gương mặt quen thuộc của làng bất động sản Hà Nội với biệt danh "Minh Kinh Đô" hay "Minh Lò Đúc". Ông là người sáng lập Công ty Vận chuyển khách Du lịch và Taxi, nền móng phát triển cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) hiện nay.

Một trong số đơn vị thành viên của Kinh Đô TCI Group là Công ty Cổ phần May Lê Trực, chủ đầu tư dự án đầy "tai tiếng" 8B Lê Trực (tên thương mại Discovery Complex 2), gần quảng trường Ba Đình. Dự án này tồn tại rất nhiều sai phạm và liên tục bị "bêu tên" trên truyền thông đại chúng, chẳng hạn như vi phạm xây vượt tầng, vượt chiều cao so với giấy phép xây dựng được cấp, diễn ra từ năm 2012.

Phải mất đến 9 năm ròng thành phố Hà Nội mới cơ bản xử lý xong các sai phạm tại dự án, một phần nguyên nhân là vì chủ đầu tư không chịu phối hợp với chính quyền địa phương.

Không chỉ tòa nhà 8B Lê Trực, ông Minh cũng sở hữu hàng loạt dự án khác có vị trí đắc địa trong nội thành và nhờ đó, ông từng được bình chọn là một trong 10 doanh nhân ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường địa ốc Thủ đô.

Dự án đang được triển khai thế nào?

Về dự án Discovery Complex 3 đang nằm trong danh sách thanh tra, đây là dự án tọa lạc ở cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, một mặt tiếp giáp với đường Hoàng Quốc Việt và một mặt tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng. Như tên gọi, đây là dự án mang thương hiệu Discovery Complex thứ ba của Kinh Đô TCI Group, trước nữa là Discovery Complex 302 Cầu Giấy và Discovery Complex 8B Lê Trực.

Dự án Discovery Complex 3 theo thiết kế có 3 tòa nhà, trong đó 1 tòa văn phòng cao 46 tầng và 2 tòa căn hộ chung cư cao 50 tầng với 5 tầng hầm, 5 tầng trung tâm thương mại, có tổng diện tích trên 10.200m2. Chủ đầu tư, Công ty Familia có vốn điều lệ 450 tỷ đồng.

Tài liệu của VietnamFinance thu thập được cho thấy, năm 2016, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Familia là 8,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đổi tên từ năm 2017, chỉ số này đã giảm mạnh.

Thiếu nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, Familia chịu lỗ liên tiếp giai đoạn 2017-2020, lần lượt là 17 triệu đồng, 576 triệu đồng, 312 nghìn đồng, 52 triệu đồng.

Tài sản của Familia tăng mạnh từ năm 2018, đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm trước. Trong cơ cấu tài sản, chủ yếu tăng ở nhóm tài sản ngắn hạn từ 333,9 tỷ đồng lên 1.419 tỷ đồng, nằm phần lớn ở các khoản phải thu ngắn hạn (332 tỷ đồng lên 1.215 tỷ đồng).

Đối ứng bên nguồn vốn, vốn chủ sở hữu tăng không quá mạnh, từ 351 tỷ đồng lên 551 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả nhảy vọt từ 22,6 tỷ đồng lên 1.111 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 50 lần, đáng nói gần như là các khoản nợ ngắn hạn. Đến năm 2020, số nợ này chuyển dịch sang khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn, ghi nhận ở mức 1.214 tỷ đồng, đồng nghĩa với nợ ngắn hạn giảm mạnh, về mốc 14,2 tỷ đồng.

Tin mới lên