Tốc độ tăng trưởng khách du lịch chững lại, động lực nào cho cổ phiếu ACV?

Thanh Long - 18/09/2019 08:12 (GMT+7)

(VNF) - Triển vọng tăng của cổ phiếu ACV đang gặp thách thức khi tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong nước lẫn quốc tế tiếp tục xu hướng chững lại. Tuy vậy, vẫn còn đó động lực từ việc chuyển niêm yết ACV sang sàn HoSE, được kỳ vọng sẽ sớm thành hiện thực khi đề án khu bay có thể được Chính phủ phê duyệt ngay trong năm 2019.

VNF
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch chững lại, động lực nào cho cổ phiếu ACV?

6 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận 8.909 tỷ đồng doanh thu (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.703 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 20%). Như vậy, công ty đã hoàn thành 46,5% kế hoạch doanh thu và và 56,5% kế hoạch lợi nhuận.

Biên lợi nhuận gộp của ACV tăng nhẹ từ 50,43% trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 51,48% trong 6 tháng đầu năm 2019 nhờ giá vốn có mức tăng nhẹ hơn so với tăng trưởng doanh thu và ACV ghi nhận thêm phí nhượng quyền 12% doanh thu của Nhà ga quốc tế Cam Ranh.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, ACV phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa tương ứng với mức tăng trưởng lượt khách so với cùng kỳ là 7,5%. Mức tăng trưởng này đã có sự cải thiện nhẹ so với năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn tăng trưởng cao 2013-2016.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo cập nhật mới đây, sự chững lại này bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, giá vé tăng do giá xăng tăng và giá dịch vụ cảng hàng không tăng làm giảm khả năng bay của những người thu nhập thấp.

Thứ hai, hãng hàng không giá rẻ Vietjet xoay trục từ phát triển các đường bay nội địa sang các đường bay quốc tế do đó cắt giảm mạnh các chương trình khuyến mại các chặng bay trong nước.

Thứ ba, sân bay chủ chốt là Tân Sơn Nhất đang hoạt động cao hơn nhiều so với công suất thiết kế dẫn tới khó xin tăng slot chuyến bay tại sân bay này.

"Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng hành khách nội địa sẽ tiếp tục quanh mức 7% trong những năm tới do sự xoay trục sang các tuyến bay quốc tế của hãng hàng không giá rẻ cũng như sự hạn chế của hạ tầng hàng không", BVSC nêu quan điểm.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế đã có sự sụt giảm tương đối mạnh trong năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xu hướng sụt giảm này tiếp tục tiếp diễn và ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm về 13,4%.

BVSC đánh giá một số nguyên nhân chủ yếu làm cho tốc độ tăng trưởng giảm như nhà nước tăng cường quản lý các tour du lịch 0 đồng và tình hình kinh tế suy giảm ở Trung quốc làm cho tốc độ tăng trưởng khách du lịch giảm mạnh.

Tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc giảm về mức 23,9% trong năm 2018 (từ mức 48,3% trong năm 2017) và chuyển sang tăng trưởng âm 1% trong 8 tháng đầu năm 2019.

Dự báo trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm bởi tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân từ Hàn Quốc trong 3 năm gần đây là 46,6%, đây là một mức tăng rất cao vì vậy khó có thể duy trì mức tăng cao như vậy trong thời gian dài. Trong 8 tháng đầu 2019, lượt khách từ Hàn Quốc đạt 2,8 triệu lượt và xếp thứ hai ngay sau Trung Quốc.

Cùng với đó, sân bay chủ chốt là Tân Sơn Nhất đang hoạt động cao hơn nhiều so với công suất thiết kế.

BVSC đánh giá, xu hướng chững lại của du lịch thông qua đường hàng không tác động lên khả năng tăng trưởng của ACV trong năm 2019.

Tuy nhiên, về dài hạn, công ty chứng khoán này cho rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam nhờ cảnh quan đẹp, tiềm năng du lịch hấp dẫn, hạ tầng và dịch vụ du lịch đang được cải thiện dần qua từng năm.

Một trong những vấn đề lớn nhất với ACV hiện tại là quyền quản lý, vận hành đối với các khu bay.

Tài sản tại khu hoạt động bay vẫn thuộc về nhà nước sau khi cổ phần hóa ACV dẫn tới ACV không thực hiện được các công tác duy tu bảo dưỡng cần thiết. Hiện nay, các đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và có thể đe dọa an toàn bay. Vì vậy ACV và Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực đàm phán thống nhất các phương án cũng như đã trình lên chính phủ để có thể sớm sửa chữa và bảo trì khu bay.

Có 3 phương án được Bộ Giao thông Vận tải trình lên.

Phương án 1 là Chính phủ sẽ cho thuê khu bay và ACV sẽ phải trả phí thuê hàng năm cho Nhà nước. Chi phí đầu tư và sửa bảo trì khu bay sẽ do Chính phủ đảm nhận.

Phương án 2 là ACV sẽ tham gia đấu thầu và trả trước một lần cho các tài sản khu bay. ACV chịu tránh nhiệm vận hành, đầu tư và bảo trì các tài sản khu bay.

Phương án 3 là Nhà nước nâng tỷ lệ sở hữu ACV lên 100% và nhà nước giao khu bay cho ACV quản lý và vận hành.

BVSC đánh giá phương án 2 là phương án khả thi nhất, là phương án giúp cho đường băng có thể được bảo trì nhanh nhất nhờ kinh nghiệm và nguồn vốn sẵn có của ACV và đây cũng phương án nhiều khả năng sẽ được phê duyệt nhất.

"Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ phê duyệt đề án khu bay trong năm 2019 từ đó loại bỏ điểm nhấn mạnh trong ý kiến kiểm toán và giúp cho ACV có thể chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE", công ty chứng khoán nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác