TP. HCM: Áp lực nhà ở - đời sống tại đô thị

Bích Thảo - 21/05/2020 16:16 (GMT+7)

(VNF) - Tại hội thảo khoa học “Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong thực tiễn TP. HCM" diễn ra ngày 20/5 do Viện Xã hội học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận đã đề xuất bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc phù hợp ở thành phố trong giai đoạn hiện nay.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Áp lực nhà ở

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP. HCM hiện có hơn 13 triệu người sinh sống, học tập, làm việc và du lịch.

Với 13 triệu người, trung bình mật độ dân số TP. HCM là 4.289 người/km2, cao gấp 14,7 lần so với mật độ dân số cả nước, tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm. Mỗi năm dân số thành phố tăng thêm khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng thêm 1 triệu người dẫn tới áp lực rất lớn về quản lý đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Theo thống kê được báo cáo tại hội thảo tổ chức ở TP. HCM 2019 vừa qua, trên địa bàn thành phố có tổng số nhà ở hơn 1,6 triệu căn; trong đó nhà ở kiên cố chiếm gần 38%, nhà bán kiên cố chiếm hơn 60%, còn lại là nhà thiếu kiên cố và đơn sơ. Tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân tại thành phố đạt gần 20m2/người, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.

Mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn còn bộ phận lớn người lao động và người nhập cư có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn hoặc không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng rất khó khăn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, đánh giá vấn đề khó khăn nhất của thành phố hiện tại là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có mức thu nhập thấp, thu nhập trung bình để đảm bảo an sinh xã hội.

TP. HCM hiện chưa có nhiều loại căn hộ, nhà ở xã hội cho thuê. Các ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân hầu như chỉ có loại hình phòng tập thể trong khi nhu cầu xã hội đang cần loại phòng cho thuê cho hai người. Ngoài ra, các loại nhà ở xã hội bán hoặc cho thuê, mua thì nguồn cung quá ít, không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của một đô thị như TP. HCM.

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu phát triển thêm 45 triệu m2 sàn xây dựng, giai đoạn 2026-2030 phát triển thêm gần 51 triệu m2 sàn xây dựng.

Về định hướng phát triển nhà ở, thành phố sẽ cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại. Đối với phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng, thành phố sẽ rà soát quỹ đất công để mời gọi đầu tư.

Sống hạnh phúc tại TP. HCM chịu nhiều áp lực

Chia sẻ tại hội thảo khoa học “Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong thực tiễn TP. HCM", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Văn, cho rằng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố hiện nay bao gồm: tiêu chí về đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình; về đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng; về các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trong đó, yêu cầu đầu tiên của gia đình hạnh phúc là phải có sức khỏe, công ăn việc làm đầy đủ, thời gian lao động hợp lý, phải có nhà riêng, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có ngân sách dự phòng.

Gia đình hạnh phúc ở thành phố là phải tuân thủ pháp luật, những quy định của nhà nước, biết cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, đề cao việc học, nâng cao hiểu biết, tham gia vào các hoạt động hướng thiện, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, làm được nhiều việc có ý nghĩa cho gia đình và cộng đồng, xã hội. Gia đình hạnh phúc cũng xác định tiêu chí kết hôn là cần thiết, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo, cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con, các con yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, quan hệ họ hàng, nội ngoại, láng giềng và cộng đồng, bạn bè, đồng nghiệp tốt…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết hiện các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách để xây dựng gia đình Việt Nam, phản ánh vai trò quan trọng của gia đình đối với xã hội và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP. HCM là phản ảnh các quan tâm chính sách, khả năng tác động chính sách ở các mức độ khác nhau và hướng đến hình thành hệ thống chỉ bảo để đo lường và giám sát các yếu tố của gia đình hạnh phúc.

TP. HCM là trung tâm đô thị, công nghiệp và giao thương quốc tế lớn, dân số đông khiến nhiều gia đình chịu áp lực lớn về điều kiện làm việc, thu nhập, chi tiêu, nhà ở, thời gian dành cho các thành viên trong gia đình… Môi trường đô thị lớn cũng thúc đẩy tính cá nhân, giảm tương tác gia đình và cộng đồng, trong khi mở rộng các tương tác xã hội và phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ công.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng hôn nhân của người dân TP. HCM đang chuyển biến theo quá trình đô thị hóa và có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn.

Tỷ lệ sinh của người dân TP. HCM ngày càng giảm, giới tính chênh lệch; các loại hình gia đình sẽ ngày càng đa dạng hơn, gia đình 1 thành viên, đơn thân, chung sống không kết hôn. Bên cạnh đó là sự gia tăng người dân từ các tỉnh về sinh sống và sự tác động của công nghệ 4.0, những thành tựu về khoa học công nghệ sẽ tác động rất lớn đến hình thức tương tác giữa các thành viên gia đình, xã hội.

Cùng chuyên mục
Tin khác