TP. HCM muốn sắp xếp lại 19 phường và 3 quận

Bích Thủy - 21/05/2020 14:20 (GMT+7)

(VNF) - Sở Nội vụ TP. HCM vừa có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP. HCM về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2019-2021. Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất giữ nguyên phương án sắp xếp 19 đơn vị hành chính cấp phường như trước đây; bổ sung việc sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TP. HCM.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Thủ Thiêm là hạt nhân của thành phố phía Đông TP. HCM

Lý do sáp nhập 3 quận ở phía Đông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP. HCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...

Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP. HCM và vùng Đông Nam bộ.

Theo Sở Nội vụ TP. HCM, việc quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông TP. HCM phù hợp với định hướng phát triển không gian “Vùng TP. HCM” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2076/2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 950/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) là hạt nhân của thành phố sáng tạo tương tác phía Đông Sau khi sáp nhập, 3 quận này sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TP. HCM có diện tích tự nhiên 211,57km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số 1.169.974 người (đạt 779,98% so với tiêu chuẩn).

Đây cũng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao TP đang hướng đến với các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao ở quận 9, Đại học Quốc gia TP. HCM tại quận Thủ Đức và khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2. Ngoài ra, khu vực này còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP. HCM và vùng Đông Nam bộ.

Sắp xếp lại 19 phường

Đối với cấp phường, xã có 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận có thể phải sắp xếp lại. Trong đó, tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An. Quận 3 sáp nhập phường 6, 7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 5 và 2; phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 và 11; phường 14 và 13. 

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP. HCM sẽ giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (16 quận, một thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Theo Sở Nội vụ TP. HCM, những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TP. HCM. Áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân không những tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, sinh viên các trường đại học, người dân tạm cư ở mức rất cao, cao gấp nhiều lần dân số địa phương, như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược, ký túc xá Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM...

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để TP. HCM giữ vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, liên kết với các đô thị khác trong vùng để cùng phát triển.

Trước đây TP. HCM nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chính. Sau năm 1975, quận 7 nhập vào quận 8 thành quận 8 bây giờ. Quận 1 hiện hữu cũng được ghép từ quận 2. Quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây. Còn quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức...

Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích từ 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Tất cả những đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác