TP. HCM dự kiến thu phí để hoàn vốn dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1

Trần Lê - 08/01/2021 18:23 (GMT+7)

(VNF) - Khung giá dịch vụ đường bộ qua trạm Xa lộ Hà Nội đã được các sở thẩm định, UBND TP. HCM trình Thường trực Thành ủy. Trong phương án giá, cơ quan chức năng đã tính đến việc miễn giảm cho các hộ dân và doanh nghiệp dọc tuyến.

VNF
TP. HCM dự kiến thu phí để hoàn vốn dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (ảnh minh họa)

Các sở - ngành TP. HCM đang tính toán và trình lại phương án giá với mục tiêu giảm giá để hỗ trợ các chủ phương tiện trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới). Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía đông của TP. HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Từ tháng 11/2010, UBND TP. HCM đã giao dự án BOT này cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (gọi tắt là Công ty CII) làm chủ đầu tư với số vốn ban đầu là 2.287 tỷ đồng. 

Tiếp đó, tháng 7/2018, UBND TP và Công ty CII ký phụ lục hợp đồng, bổ sung một số hạng mục trên tuyến, như: xây thêm 2 cầu, cải tạo đường song hành, xây dựng nút giao thông Đại học Quốc gia TP. HCM, bổ sung kinh phí đền bù giải tỏa mặt bằng toàn tuyến… Tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh là 4.905 tỷ đồng.

Dự án gồm 3 đoạn: từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (6,2km); từ nút giao Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (5,3km) và từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (4,2km). Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến đường được UBND TP phê duyệt rộng 113,5m và 153,5m, quy mô từ 14 – 20 làn xe.

Các hạng mục xây dựng chính của dự án gồm: nâng cấp, mở rộng trục đường chính từ 23m lên thành 48m – 41m – 34m tùy theo từng đoạn đường; xây dựng mới 2 đường song hành hai bên đường chính, mỗi đường rộng trung bình 12m; xây dựng mới hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tín hiệu giao thông, cây xanh và vỉa hè hai bên đường và thực hiện công tác duy tu cầu, đường, cây xanh trên dải phân cách giữa trong thời gian chờ thu phí.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 100% trục đường chính, đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP. HCM; hoàn thành nâng cấp, trải bê tông nhựa đoạn Quốc lộ 1 trên địa bàn TP Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông; hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái.

Tính đến hết năm 2020, dự án đã được đầu tư lên đến 4.085 tỷ đồng.

Theo đại diện Công ty CII, căn cứ vào hợp đồng, dự án được thu phí từ ngày 1/10/2018. Tuy nhiên, cho đến nay Công ty CII chưa thể tiến hành thu phí bù đắp vốn đầu tư vì dự án chưa hoàn thành toàn bộ. Nguyên nhân chưa hoàn thành hai trục đường song hành được xác định là do vướng mặt bằng và mặt bằng trùng lắp với các dự án khác. 

Sự chậm trễ thu phí khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo tính toán, lãi phát sinh trong 1 năm chậm thu phí sẽ được cộng dồn sau 17 năm 9 tháng (thời gian thu phí của dự án) lên đến 3.700 tỷ đồng, gần bằng tổng vốn đầu tư hiện nay. Do vậy, nếu lượng xe thực tế vẫn giống như lưu lượng xe tạm tính trong phương án, cứ chậm 1 năm thu phí, thời gian thu phí sẽ phải kéo dài thêm ít nhất 6 năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác