DKRA dự báo đất nền vùng giáp ranh TP. HCM sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hàng đầu năm 2021

Anh Phan - 08/01/2021 07:23 (GMT+7)

(VNF) - "Năm 2020, trong khi thị trường bất động sản nhà ở TP. HCM vẫn duy trì đà sụt giảm từ năm 2019 ở hầu hết các phân khúc, vùng phụ cận với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai,... lại có sự phát triển đáng chú ý. Bước sang năm 2021, dự báo thị trường có thể hồi phục với mức độ tích cực tùy từng phân khúc cụ thể".

VNF
DKRA dự báo đất nền vùng giáp ranh TP. HCM sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hàng đầu năm 2021. (ảnh minh hoạ)

Đó là nhận định được đưa ra tại báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP. HCM và vùng phụ cận do Công ty DKRA Việt Nam (DKRA) thực hiện và công bố.

Nguồn cung mới chỉ bằng 33% so với năm trước

Cụ thể, ở phân khúc đất nền, theo thống kê của DKRA, năm 2020, khu vực TP. HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận khoảng 84 dự án mở bán (khoảng 13,179 nền). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 8,519 nền, chiếm xấp xỉ 65% nguồn cung mới. Những dự án nằm liền kề các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, diện tích nền nhỏ, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có dòng vốn tốt.

Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung do quỹ đất sạch tại TP. HCM ngày càng khan hiếm. Bình Dương dẫn đầu nguồn cung với khoảng 43% nguồn cung mới toàn thị trường (5,627 nền).

Tại TP. HCM, nguồn cung mới chỉ đến từ 7 dự án (564 nền), chỉ bằng 33% so với năm trước; tỷ lệ tiêu thụ đạt 59% (khoảng 334 nền), bằng 21% so với năm 2019.

Ở phân khúc căn hộ, thống kê của DKRA cho thấy TP. HCM và vùng phụ cận ghi nhận khoảng 88 dự án mở bán (khoảng 30,042 căn) trong năm qua, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và Bình Dương. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 26,313 căn, chiếm xấp xỉ 87.6% nguồn cung mới.

Bình Dương nổi lên là tâm điểm của thị trường căn hộ với hàng loạt dự án mở bán, cung ứng khoảng 10,526 căn, chiếm 35.1% tổng nguồn cung mới.

Cũng theo DKRA, tại TP. HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2019. Năm 2020, TP. HCM có khoảng 56 dự án mở bán (khoảng 17,579 căn), bằng 71.7% cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 86.6% (khoảng 15,229 căn), bằng 66.2% so với năm 2019. Căn hộ hạng A dẫn đầu thị trường trong khi căn hộ hạng C gần như vắng bóng. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong năm. Mặt bằng giá sơ cấp tăng mạnh, tuy nhiên thanh khoản giao dịch thứ cấp giảm sút.

Theo DKRA, thị trường bất động sản Nhà ở TP. HCM năm 2020 đã đối mặt nhiều thách thức với ảnh hưởng kép từ đại dịch và đà suy giảm kéo dài từ năm 2019. Cùng đó, do sự siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án của các cơ quan nhà nước, nguồn cung dự án mới tiếp tục sụt giảm đáng kể.

Tại TP. HCM, thị trường gần như vắng bóng loại hình căn hộ hạng C trong khi nhu cầu ở phân khúc này còn rất lớn. Cùng lúc đó, dù nguồn cung mới giảm mạnh, mặt bằng giá vẫn liên tục tăng cao. Đặc biệt, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10 - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước. Điều này làm khả năng sở hữu nhà cho người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao càng trở nên khó khăn.

DKRA cũng nhận định lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch trong năm 2020 và sự cố vỡ cam kết lợi nhuận cuối năm 2019. Thị trường đã manh nha xuất hiện hình thức đầu tư tài chính bất động sản giống như tín thác đầu tư bất động sản mà luật pháp chưa có quy định cụ thể.

Tại khu vực Bảo Lộc - Lâm Đồng, nhiều dự án được quảng cáo với mô hình mới như homestay, farmstay,… Tuy nhiên, hiện nay nhà nước chưa có quy định cụ thể để giám sát, quản lý hoạt động của các loại hình này.

“Những điều trên cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ và rủi ro nhất định, DKRA nhấn mạnh.

Nguồn cung mới năm 2021 sẽ tập trung tại các tỉnh giáp ranh

Dự báo về thị trường năm 2021, DKRA cho hay nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm mới có thể phục hồi và tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Sức cầu tăng so với năm 2020, tuy nhiên rất khó sôi động như năm 2019. Ở TP. HCM, khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm.

Cùng với đó, nguồn cung mới và sức cầu ở phân khúc nhà phố/biệt thự được dự báo hồi phục tích cực và có sự tăng nhẹ so với năm 2020.

“Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới. Ở TP. HCM, khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung toàn thành. Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 10 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn”, DKRA nhận định.

Cũng theo DKRA, bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP,… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.

“Việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá”, DKRA nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.