Bất động sản

TP. HCM quyết ngăn chặn sốt giá và bong bóng bất động sản

(VNF) - UBND TP. HCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi diễn biến của thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

TP. HCM quyết ngăn chặn sốt giá và bong bóng bất động sản

Dự báo, trong giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhà ở tại TP.HCM là 149,4 triệu m2 sàn.

Theo văn bản vừa ban hành, UBND TP. HCM giao Sở Xây dựng theo dõi diễn biến thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản; tham mưu giải quyết chuyển đổi các dự án nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội.

UBND TP. HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 23/4/2019 (ngày ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg), đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp; kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần công khai danh sách dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. Đồng thời cần rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Về tình hình kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2019 tại TP. HCM, UBND thành phố đã có thông báo hồi tháng 3/2020. Theo thông báo này, với 1.718 dự án quy mô gần 12.400ha đang thực hiện kế hoạch sử dụng đất, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư dự án để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện dự án.

Với 608 dự án với diện tích gần 1.100ha đã thực hiện kế hoạch sử dụng đất, UBND các quận, huyện cần công khai kết quả, đánh giá chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Với 180 dự án quy mô hơn 1.094ha không tiếp tục thực hiện kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, theo dõi và tổng hợp kết quả rà soát của UBND các quận, huyện, đề xuất trình UBND thành phố xử lý.

Nhu cầu về nhà ở tại TP. HCM không ngừng gia tăng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Trước đó, Sở Xây dựng TP. HCM có văn bản gửi UBND thành phố về việc phê duyệt đề án “Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP. HCM giai đoạn 2020-2030”. Theo đó, dân số toàn thành phố trong 10 năm qua đã tăng 1.845.261 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 20,1m2/người (năm 2009 là 16,6m2/người).

Dự kiến, dân số đến năm 2030 là hơn 11 triệu người. Vì vậy Sở Xây dựng cho rằng đề án “Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP. HCM giai đoạn 2020-2030” là cần thiết.

Dự báo, trong giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhà ở tại TP. HCM là 149,4 triệu m2 sàn. Trong đó cần 81,4 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2020-2025, 68 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2026-2030. Nhu cầu đất tăng thêm tại TP. HCM trong giai đoạn 2020-2025 là 2.003ha và trong giai đoạn 2026-2030 là 2.372ha.

Dự kiến đến năm 2025, nhiều giải pháp với từng nhóm sản phẩm đã được đề ra trong dự thảo. Theo đó, nhà ở xã hội cần đa dạng hóa phương thức đầu tư, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; nnhà ở thương mại cần giải quyết vướng mắc trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt hoặc thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; nhà ở riêng lẻ của người dân cần đơn giản thủ tục.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư các dự án cải tạo, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch.

Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3) hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch hạ tầng phù hợp; ưu tiên các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Khu vực 6 quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức) ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1.

Khu vực 11 quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án nhà ở. Các quận 4, 5, 6, 11, quận Phú Nhuận (những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây) hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch phù hợp.

Khu vực 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu đô thị mới, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn, khu đô thị vệ tinh.

Tin mới lên