Bất động sản

TP. HCM ​sẽ tổ chức chính quyền đô thị từ tháng 7/2021

(VNF) - Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 16/11, với tỷ lệ tán thành đạt 87,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội.  

TP. HCM ​sẽ tổ chức chính quyền đô thị từ tháng 7/2021

TP. HCM ​sẽ tổ chức chính quyền đô thị từ tháng 7/2021

Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP. HCM gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở cấp thành phố; chính quyền cấp quận, phường là Ủy ban Nhân dân quận, phường (không có Hội đồng Nhân dân).

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM thực hiện từ 1/7/2021.

Ảnh kết quả biểu quyết của Quốc hội

Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân TP. HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác liên quan. Trong đó, Ủy ban Nhân dân TP. HCM giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của Ủy ban Nhân dân quận.

Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận; thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội.

Ủy ban Nhân dân quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; gồm chủ tịch quận và không quá 3 phó chủ tịch.

Chủ tịch quận chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của quận.

Ủy ban Nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; gồm chủ tịch và không quá 2 phó chủ tịch. Công chức làm việc tại Ủy ban Nhân dân phường thuộc biên chế công chức của tổ chức cấp trên.

Trước đó, tháng 11/2019,  Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Tháng 6/2020, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Từ tháng 7/2021, TP Hà Nội và Đà Nẵng cùng đồng thời thí điểm thực hiện chính quyền đô thị

Theo bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM được kỳ vọng có sự thay đổi không chỉ là việc thay "chiếc áo đã quá chật" mà sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TP. HCM, bảo đảm sự ổn định và phát triển thành phố.

Tin mới lên