TP. HCM: Thị trường bất động sản khu Đông sẽ tiếp tục dẫn đầu xu thế đầu tư
Thu Hà -
26/12/2019 07:32 (GMT+7)
(VNF) - Quận 2, 9, Thủ Đức thuộc Khu đô thị Sáng tạo phía Đông sẽ được tổ chức lại theo hướng thành lập "thành phố thuộc TP. HCM".
Đề xuất này là một trong hai nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị UBND TP. HCM dự kiến trình Thường trực Thành ủy xin ý kiến Bộ Chính trị vào tháng 12. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP. HCM rất táo bạo, tâm huyết với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước.
TP. HCM đánh giá việc quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông sẽ hình thành tiểu vùng đô thị trung tâm theo quy hoạch vùng TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố.
Theo UBND TP. HCM, việc triển khai khu đô thị sáng tạo càng thuận lợi hơn khi thành phố được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM. Điều này càng ý nghĩa hơn khi thành phố đang chuyển mình trở thành một siêu đô thị, đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số lượng doanh nghiệp của cả nước.
Theo đó, khu vực phía Đông của TP. HCM hiện là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao, đồng thời là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng.
Sau khi được hình thành, khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Một nguyên lãnh đạo Sở QH-KT TP. HCM nhận định việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía đông TP. HCM sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn thành phố.
Tuy về hình dáng, tổ chức không gian, cảnh quan vẫn phải theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nhưng với tiêu chí tiếp cận giải pháp đô thị thông minh 4.0, tất cả công trình sẽ phải đạt đến trình độ thuận tiện cao nhất, giúp thay đổi mọi hoạt động, nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông đánh giá chọn vùng đất phía đông là rất phù hợp vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu.
"Nếu có sự quyết tâm của chính quyền cùng những chính sách thật sự mang tính đột phá, khu vực phía đông TP. HCM có thể trở thành một đô thị xứng tầm với các nước phát triển trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị lớn trên thế giới", vị này kỳ vọng.
Đồng tình, một chuyên gia thuộc Hội KTS Việt Nam cho rằng việc lãnh đạo TP. HCM quyết định hình thành yếu tố thông minh trong quá trình phát triển TP. HCM là rất phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tạo tính cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực.
Vị chuyên gia này đánh giá khu vực phía Đông là mảnh đất thích hợp nhất để hình thành khu đô thị thông minh vì nơi đây hội tủ đủ các yếu tố về địa hình đất, vị trí thuận lợi, nằm giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành, gần tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường vành đai 3 kết nối TP. HCM với các tỉnh thành lân cận.
Hai công trình được mong đợi nhất sẽ được đầu tư hoàn thiện là nút giao Mỹ Thủy (quận 2) và nút giao An Phú (quận 2) thi công giai đoạn 2. Đây là những điểm giao của hai trục đường chính của TP. HCM, trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái và kết nối với cầu Cát Lái đi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, quần thể các trường đại học uy tín chuyên về khoa học, kỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, khu công nghệ cao cũng là nơi cung cấp "kho tàng" tri thức lớn từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên trình độ cao... sẽ cung cấp các ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học hữu ích cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hình thành những công trình mang tính ứng dụng cao trong xã hội thay vì chỉ tập trung đào tạo như hiện nay.
"Khu đô thị này hình thành sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông TP. HCM hiện nay. Đây là bệ phóng giúp TP. HCM tăng sức cạnh tranh lớn về mọi mặt trên trường quốc tế", vị chuyên gia này nói thêm.
Với hệ thống hạ tầng và giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, bất động sản khu Đông được giới chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục tăng sức nóng trong những năm tới. Các nhà phát triển bất động sản uy tín và có tầm nhìn chiến lược đã đẩy mạnh đầu tư vào khu Đông từ nhiều năm nay, đặc biệt là quận 2 và quận 9, tạo nên các dự án nhà ở chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị của khu vực này một cách nhanh chóng.
"Việc TP. HCM đang có chủ trương biến khu Đông thành một thành phố mới trong lòng thành phố sẽ tạo cho khu vực này một hấp lực rất lớn trong thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực BĐS. Trong tương lai, việc kết nối từ khu vực này với khu trung tâm TP. HCM hay các tỉnh lân cận không còn quá khó khăn, bởi mạng lưới giao thông quy mô lớn đã và đang được đẩy nhanh tốc độ đầu tư.
Do vậy, tôi nhìn thấy sức hút và nhu cầu nhà ở tại khu vực này sẽ cực kỳ lớn, chắc chắn giá bán cũng sẽ tăng theo thời gian", một vị chuyên gia cũng cho biết thêm.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.