'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Mới đây, trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định thời hạn sở hữu chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như hiện nay.
Có 2 phương án được Bộ Xây dựng đề xuất. Một là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng (theo niên hạn công trình). Hai là thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Chẳng hạn nếu chọn phương án 1 (thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình), nhà chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn tùy thuộc cấp công trình (ví dụ 50 năm với công trình cấp II). Lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.
Đề xuất này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản. Các chuyên gia cho rằng hiện nay chưa phải lúc giới hạn thời hạn sở hữu chung cư. Một số ý kiến phản đối cho rằng đề xuất thời hạn sở hữu chung cư 50-70 năm không phù hợp với thị hiếu và tâm lý sở hữu tài sản lâu dài của đại đa số người dân.
Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với ThS Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Bộ Xây dựng nêu trên?
Tôi hoàn toàn không ủng hộ đề xuất về xây dựng chính sách chung cư sở hữu có thời hạn. Khoan hãy đề cập đến các khía cạnh pháp lý, chúng ta hãy đánh giá chính sách ở những khía cạnh hết sức “con người”. Liệu chính sách đặt ra có hướng đến lợi ích của người dân hay chỉ có lợi cho hoạt động quản lý? Liệu chính sách ban hành có đảm bảo tính hiệu quả, khả thi?
Việt Nam là quốc gia có văn hóa Á Đông, nhà ở được quan niệm không chỉ là nơi để ở mà còn là một tài sản có giá trị lớn để cho con cái thừa kế. Nhu cầu của người dân luôn là nhà ở sở hữu lâu dài.
Theo Điều 126 Luật Đất đai 2013, đối với dự án kinh doanh nhà ở thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Đây là cơ sở để cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) với thời hạn lâu dài cho người mua nhà ở trong dự án (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Như vậy theo pháp luật hiện hành thì người mua căn hộ chung cư trong dự án kinh doanh nhà ở sẽ có quyền sử dụng đất lâu dài, đồng thời có quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn. Đây là chính sách quan trọng để khuyến khích người dân mua và sử dụng chung cư, góp phần thay đổi tư duy “tấc đất cắm dùi”, giúp sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả để dành quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng.
Đây là một chính sách quan trọng, hài hòa lợi ích và phù hợp với thực tiễn, giúp nhà nước khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tránh người dân xây nhà tự phát, thiếu hạ tầng, thiếu tiện ích và manh mún theo dạng “vết dầu loang”.
Giả định nếu chính sách tại Điều 126 Luật Đất đai không còn nữa, người dân mua căn hộ chung cư không còn được cấp sổ với thời hạn lâu dài thì các sản phẩm này sẽ bị quay lưng, thay vào đó sẽ quay trở lại với xu thế xây nhà tự phát (để được cấp giấy chứng nhận với thời hạn lâu dài). Đây là một bước tụt lùi của xã hội.
Như ông nói thì nếu nhà nước quy định chung cư sở hữu có thời hạn, xu hướng ở chung cư sẽ bị đẩy lùi?
Đúng vậy, áp thời hạn sở hữu không những không khuyến khích mà còn hạn chế sự phát triển của loại hình nhà ở chung cư, vốn là xu thế của thời đại. Cần nhấn mạnh rằng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra quan điểm phát triển: “Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp”. Nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân tuyệt đại đa số cũng là nhà chung cư. Như vậy, nhà nước khuyến khích phát triển và tạo cho người dân thói quen ở chung cư. Trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của mỗi địa phương cũng đều đặt ra mục tiêu đạt một tỷ lệ % nhất định nhà ở là nhà chung cư.
Trong bối cảnh ấy, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) lại đặt ra vấn đề chung cư sở hữu có thời hạn. Như vậy 2 mục tiêu, thứ nhất là khuyến khích phát triển nhà chung cư, thứ hai là chung cư sở hữu có thời hạn, đã tự mâu thuẫn nhau. Nhà làm luật cần chọn một mục tiêu chính mà mình mong muốn nhất khi xây dựng chính sách để quyết định lựa chọn chính sách nào.
Hiện nay, ngoại trừ 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì người dân nhìn chung chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm. Nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn sẽ rất khó đạt được mục tiêu khuyến khích, định hình cho người dân thói quen ở chung cư. Ngược lại, người dân càng không mặn mà.
Không có chính sách nào đạt được đa mục tiêu. Và như phân tích của ông, dường như đề xuất áp thời hạn sở hữu chung cư mới chỉ đang đạt được mục tiêu về quản lý nhà nước?
Về nguyên tắc, khi xây dựng chính sách, đơn cử xét đến là về nhà chung cư, cơ quan soạn thảo cần xem xét mục tiêu cốt lõi của chính sách là gì? Hay nói cách khác, nhà làm luật mong muốn điều gì? Nhà nước có thực sự mong muốn người dân ở chung cư, coi chung cư là xu thế của thời đại mới hay không? Mặt khác, cần đánh giá kỹ tác động, chính sách mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến xã hội, đối tượng nào hưởng lợi, đối tượng nào bị thiệt hại?
Nếu quy định chung cư sở hữu có thời hạn thì các cơ quan quản lý đương nhiên là chủ thể được hưởng lợi bởi sẽ thuận tiện cho hoạt động quản lý, dễ thu hồi đất để thực hiện các dự án cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, chỉnh trang đô thị, như nhận định của cơ quan chủ trì soạn thảo. Chính sách đồng thời giúp nhà nước được thu thêm tiền sử dụng đất khi triển khai dự án mới sau khi chung cư hết thời hạn sở hữu. Nhưng chính sách này cũng tác động tiêu cực đến người mua nhà cũng như các chủ đầu tư dự án (khó bán căn hộ, giá bán và lợi nhuận tụt giảm).
Do vậy, tôi kiến nghị không đặt ra vấn đề chung cư sở hữu có thời hạn khi sửa Luật Nhà ở. Nếu áp dụng thì kiến nghị chỉ áp dụng đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (có thể kèm điều khoản giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung các địa phương mà chung cư sở hữu có thời hạn theo đề xuất của Chính phủ để dự liệu trong tương lai khi chung cư đã được ưa chuộng tại các địa phương khác).
Nhìn ở góc độ pháp luật hiện hành, ông thấy chính sách chung cư sở hữu có thời hạn có phù hợp không?
Người mua căn hộ chung cư hiện nay được hưởng quy chế pháp lý kép, vừa chứng nhận quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai), vừa chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo Luật Nhà ở) và được cấp chung trên một văn bằng duy nhất là “sổ hồng”. Do vậy, việc xây dựng chính sách sở hữu chung cư theo Luật Nhà ở phải đồng bộ với xây dựng Luật Đất đai để đảm bảo không có xung đột về thời hạn sở hữu/sử dụng.
Như tôi đã đề cập, theo Điều 126 Luật Đất đai hiện nay, đối với dự án kinh doanh nhà ở thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở được sử dụng đất ổn định lâu dài. Như vậy nếu quy định căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn sẽ dẫn đến sự “vênh” về thời hạn sử dụng đất (lâu dài) với thời hạn sở hữu nhà ở (có thời hạn). Nói cách khác, chính sách đề xuất trong Luật Nhà ở sửa đổi xung đột với Luật Đất đai hiện hành.
Để tránh xung đột, có thể sửa Điều 126 Luật Đất đai cho đồng bộ (theo hướng người mua nhà ở chung cư chỉ được sử dụng đất có thời hạn). Như vậy, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở chấm dứt cùng thời điểm. Tuy nhiên, nếu xây dựng chính sách theo hướng này, cơ quan soạn thảo phải xem xét căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự và đánh giá tác động thật kỹ để bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư và người dân.
Ông có thể phân tích chi tiết hơn về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản trong trường hợp này?
Như tôi đã nêu, bản chất việc chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư là chứng nhận “kép”, nếu sửa Luật Nhà ở để quy định căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn thì đồng thời phải sửa Luật Đất đai để quyền sử dụng đất chấm dứt cùng thời điểm (tránh trường hợp quyền sử dụng đất vẫn còn nhưng quyền sở hữu tài sản trên đất đã hết). Tuy nhiên nếu theo hướng này, cơ quan chủ trì soạn thảo 2 luật cần bám sát căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.
3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.
5. Tài sản bị trưng mua.
6. Tài sản bị tịch thu.
7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.”
Theo Điều 237 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu chấm dứt trong một số trường hợp nhưng tựu trung lại, có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 là trường hợp chủ sở hữu tự nguyện, có thỏa thuận chấm dứt quyền sở hữu bằng ý chí của mình (các khoản 1, 2, 3, 4). Nhóm 2 là trường hợp chủ sở hữu tuy không tự nguyện chấm dứt quyền sở hữu nhưng luật có quy định chấm dứt (do có vi phạm pháp luật nên tài sản bị tịch thu; do Nhà nước trưng mua vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; do xác lập quyền sở hữu cho chủ thể khác).
Với nhóm 3 (Trường hợp khác do luật quy định), đây là “cánh cửa ngỏ” để dự liệu các tình huống nảy sinh mà luật chuyên ngành cần phải quy định về chấm dứt quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên không thể coi “cánh cửa ngỏ” này là chiếc chìa khóa vạn năng để tùy tiện áp dụng. Trái lại, nếu sử dụng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động thật kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong xã hội trong mối tương quan với lợi ích nhà nước.
Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong mọi nhà nước pháp quyền thì quyền sở hữu tài sản thuộc về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tại Việt Nam, quyền sở hữu tài sản là quyền hiến định, được Hiến pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất... Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Mặc dù Hiến pháp có quy định về một số trường hợp có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng khoản 2 Điều 14 Hiến pháp cũng quy định chặt chẽ việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Như vậy, việc sửa luật để giới hạn quyền sở hữu tài sản (giới hạn thời hạn sở hữu căn hộ chung cư và thời hạn sử dụng đất) chỉ hợp hiến, hợp pháp nếu thuộc một trong các lý do theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Cơ quan soạn thảo cần làm rõ lý do phải giới hạn thời hạn sở hữu căn hộ chung cư và thời hạn sử dụng đất. Và việc hạn chế phải thuộc một trong các lý do: quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Ngược lại, nếu không làm rõ được vấn đề trên thì việc đề xuất chung cư sở hữu có thời hạn không phù hợp với nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần nhân văn của Hiến pháp.
Bộ Xây dựng có lý giải rằng nhà chung cư là công trình đặc thù có quy mô lớn, tập trung nhiều người sinh sống, theo thời gian sử dụng thì công trình sẽ bị xuống cấp, không còn bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Khi vòng đời của nhà chung cư không còn (do đã bị phá dỡ) thì quyền sở hữu của các chủ sở hữu đối với nhà chung cư này cũng sẽ chấm dứt do tài sản không còn trên thực tế?
Bộ luật Dân sự quy định tài sản gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Đa số tài sản dạng “vật” đều có tuổi thọ, sẽ đến ngày hư hỏng và không còn dùng được.
Công trình xây dựng nào cũng có tuổi thọ, cũng xuống cấp, hư hỏng theo thời gian và cần phải phá dỡ để xây dựng lại (nếu vẫn phù hợp quy hoạch), hoặc không phù hợp thì phá dỡ để dùng cho mục đích khác.
Nhà chung cư hư hỏng thì phá dỡ. Nhà liền kề, nhà biệt thự có hư hỏng không? Có cần phá dỡ không? Vậy tại sao chúng ta quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn theo niên hạn/tuổi thọ công trình nhưng nhà thấp tầng lại được sở hữu lâu dài?
Phải chăng là bởi nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, dễ dẫn đến không đồng thuận, “9 người 10 ý” so với nhà thấp tầng thường chỉ có một chủ sở hữu nên sẽ dễ đồng thuận hơn khi quyết định phá dỡ để xây dựng lại? Vậy thì rút cục, pháp luật xây dựng để bảo vệ nhà quản lý (dễ quản lý) hay để bảo vệ người dân?
Lấy một ví dụ, tôi mua một chiếc xe máy và đi đăng ký. Tờ giấy đăng ký có giá trị xác nhận quyền sở hữu của tôi với chiếc xe máy thì quyền sở hữu ấy có thời hạn không? Giả định sau 30 năm, chiếc xe hư hỏng không còn chạy được nữa thì tôi có 2 lựa chọn, hoặc là vứt bỏ chiếc xe đó, hoặc là giữ lại để trưng bày. Nếu chọn phương án giữ lại thì quyền sở hữu chiếc xe vẫn còn, tôi có thể để thừa kế cho con... Khi đó mặc dù chiếc xe đã hỏng không còn dùng được, chỉ còn là cái xác xe, nhưng nó vẫn là tài sản có đăng ký và quyền sở hữu vẫn được bảo vệ bất khả xâm phạm.
Việc sở hữu, khai thác tài sản trên thực tế khác với sở hữu tài sản về mặt pháp lý. Phương án đề xuất của Bộ Xây dựng nhắm đến quyền sở hữu tài sản về mặt pháp lý. Hãy tưởng tượng việc bạn đi đăng ký sở hữu chiếc xe máy mới mua và được thông báo mình chỉ có quyền sở hữu trong 10 năm! Nó tương tự việc bạn mua một căn hộ chung cư có thời hạn sở hữu 50 năm. Sau 50 năm, mặc dù căn nhà vẫn còn dùng tốt nhưng quyền sở hữu của bạn với căn nhà về mặt pháp lý đã chấm dứt và về nguyên tắc, chủ sở hữu (cũ) không còn được bảo vệ quyền sở hữu nữa.
Vậy, nếu không giới hạn thời hạn sở hữu chung cư, chúng ta làm thế nào để cải tạo các chung cư cũ?
Chung cư cũ là vấn đề do lịch sử để lại. Vấn đề lớn nhất của các khu tập thể cũ là vấn đề quy hoạch thiếu tầm nhìn của thời bao cấp, các khu tập thể xây dựng với chất lượng thấp nhưng lại “nhét” ở khu vực nội đô, khu vực trung tâm đô thị mà nếu thực hiện cải tạo, xây dựng lại sẽ bị bó “chỉ tiêu dân số” trong đồ án quy hoạch, khiến nhà đầu tư không thể xây cao tầng để vừa tái định cư tại chỗ, vừa bán để hoàn vốn (bởi gia tăng dân số sẽ gây áp lực lên hạ tầng xung quanh).
Hiện nay, công tác lập quy hoạch ngày càng được quan tâm, đổi mới. Nếu làm tốt công tác quy hoạch khi triển khai các khu chung cư mới, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ không gặp vướng mắc lớn khi cải tạo, xây dựng lại.
Việc cải tạo các chung cư cũ bị “ách tắc” là bởi Luật Nhà ở quy định chỉ trường hợp nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, sau khi kiểm định mới bắt buộc phá dỡ để xây dựng lại. Các trường hợp chung cư xuống cấp nhưng chưa đến mức “hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ” thì phải được 100% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ. Như vậy, chỉ cần một hộ trong 1.000 hộ không đồng ý phá dỡ để xây dựng lại thì sẽ không thể thực hiện được. Để triển khai hiệu quả cải tạo chung cư cũ thì phải sửa chính quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư, thay vì sửa chính sách sở hữu chung cư.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
(VNF) - Trong năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật, trong đó phải kể đến những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá... cũng như những tín hiệu tích cực từ việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng.
(VEF) - Người dân còn hoài nghi, e ngại với bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau nhưng chắc chắn không “quay lưng”, bởi những lợi ích lâu dài mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho người tham gia nói riêng, cho an sinh xã hội nói chung
(VNF) - Để các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng chọn Quảng Ngãi làm “bến đỗ”
(VNF) - Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), cùng VietnamFinance điểm tên những bóng hồng tiêu biểu trong ngành tài chính.
(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.
(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.
(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.
ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.
(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.
(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.
(VNF) - Khi nói đến AI, câu hỏi đầu tiên của nhiều lãnh đạo ngân hàng là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không/ có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không?. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định được điều đó một cách chắc chắn.