Để các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng chọn Quảng Ngãi làm “bến đỗ”, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có những chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance xung quanh vấn đề này.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi xác định tập trung thu hút các dự án có chất lượng theo danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024 – 2025. Vậy địa phương đã có những chuẩn bị gì để thu hút, chào đón các nhà đầu tư, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Tuấn: Giai đoạn 2024-2025, tỉnh Quảng Ngãi tập trung thu hút 33 dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi thuộc các lĩnh vực khác nhau, phù hợp với quy hoạch tỉnh. Trong đó, lĩnh vực y tế 4 dự án; lĩnh vực dịch vụ, du lịch 5 dự án; lĩnh vực môi trường 6 dự án; lĩnh vực hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại 10 dự án; lĩnh vực hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp 6 dự án; lĩnh vực công nghiệp 2 dự án.
Riêng đối với các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sau khi có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến Luật Đất đai mới có hiệu lực, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung vào danh mục thu hút đầu tư các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn.
Để hỗ trợ thu hút, chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có quy mô lớn, có tài chính, năng lực thật sự đến khảo sát, tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu 1/2000 còn lại trong Khu kinh tế Dung Quất để làm cơ sở kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi (hiện nay tỉnh đã phê duyệt 3 đồ án). Tích cực chủ động, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện Đề án xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và ban hành Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất lan tỏa để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đẩy mạnh thu hút các loại hình xã hội hóa như phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn. Đây sẽ là tiền đề, là chìa khóa để tỉnh thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong giai đoạn 2024-2025.
Ông có thể chia sẻ thêm định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm tới không? Những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong công tác thu hút đầu tư là gì, thưa ông?
Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới là ưu tiên nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chú trọng thu hút những dự án mà tỉnh đang cần, những dự án có chất lượng phù hợp với quy hoạch tỉnh, trong các lĩnh vực y tế, môi trường, du lịch, nông nghiệp sạch, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ.
Thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư đối với những dự án lớn, những dự án có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài việc xúc tiến đầu tư trong nước thì việc kết nối, xúc tiến thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài cũng đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút, quảng bá, xúc tiến đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, làm việc với các tổ chức có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam như KOTRA, JETRO, EUROCHAM, Hiệp hội doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam… và một số tổ chức, hiệp hội khác để tăng cường việc trao đổi thông tin, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh của tỉnh.
Mặc dù luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chương trình xúc tiến đầu tư, song công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, khiến nhiều tập đoàn co cụm lại, chỉ tập trung duy trì các hoạt động kinh doanh hiện có chứ chưa có kế hoạch mở rộng đầu tư.
Công tác thu hút của tỉnh trong thời gian vừa qua còn phân bố rải rác; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các địa phương thực hiện còn chậm. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thật sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vướng mắc, chồng chéo giữa pháp luật chuyên ngành, cần có lộ trình thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, an toàn; cùng với cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh có thêm các chính sách gì để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, có chiều sâu và bền vững, thưa ông?
Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng GRDP, tạo nguồn thu ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nối tiếp những thành quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tập trung thu hút đầu tư theo hướng bền vững, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hóa dòng vốn đầu tư vào tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, đấu thầu, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư…
Thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Tăng cường rà soát các dự án chậm triển khai, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ so với quy định để tránh gây lãng phí tài nguyên đất, từ đó bàn giao cho các nhà đầu tư có năng lực và thực sự muốn đầu tư tại tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thực lực, các dự án quy mô lớn có sức lan tỏa. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng hiện nay áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, y tế, môi trường, dạy nghề, giám định tư pháp theo Quyết định số 43/2022/QĐ-UBND ngày 18/11/2022.
Sau sự việc liên quan đến pháp lý của lãnh đạo tỉnh, để các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng chọn Quảng Ngãi làm “bến đỗ”, địa phương cần làm gì, thưa ông? Cùng với đó, tỉnh có kế hoạch gì để xốc lại tinh thần các cán bộ?
Để các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng chọn Quảng Ngãi làm “bến đỗ”, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian đến, luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến với Quảng Ngãi, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bền vững.
Trước mắt, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; tiếp tục đổi mới lề lối, phong cách làm việc, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; đảm bảo công tác điều hành, xử lý công việc thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn, đình trệ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao, đặc biệt là Chương trình công tác trọng tâm của UBND tỉnh năm 2024. Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư công về hạ tầng để thúc đẩy cho đầu tư ngoài ngân sách; tăng cường các giải pháp thu ngân sách nhà nước; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian qua; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 còn lại trong Khu kinh tế Dung Quất.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
THỰC HIỆN: XUÂN ĐƯƠNG – KHÁNH HỒNG – PHƯỚC NGUYÊN
THIẾT KẾ: ANH THƯ
Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.
(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.
(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.
(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.
ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong
hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.
(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.
(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.
(VNF) - Khi nói đến AI, câu hỏi đầu tiên của nhiều lãnh đạo ngân hàng là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không/ có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không?. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định được điều đó một cách chắc chắn.
(VNF) - Để AI hoạt động hiệu quả, cần dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu hiện đang có hạn chế về chất lượng và độ tin cậy. Việc xây dựng và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho AI cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như kỹ thuật.