(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.
“Trên một con thuyền giữa đại dương, một người phụ nữ chẳng may rơi xuống nước. Từ xa, một con cá mập bắt đầu lao tới khiến ai nấy đều sợ hãi. Bất ngờ, một người đàn ông nhảy xuống, thành công cứu cô gái giữa làn nước dữ. Khi được hỏi về hành động dũng cảm của mình, anh ta không nói gì nhiều, chỉ lẩm bẩm: “Nếu tôi biết ai đẩy tôi xuống thì đừng có trách!”.”
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX) bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng một mẩu truyện cười.
“Câu chuyện của tôi và Haxaco cũng chẳng khác gì mấy”, ông Dũng cười lớn. Đó là cách ví von hài hước của vị Chủ tịch khi nói về hành trình đầy thử thách mà ông đã trải qua để đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu tại Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành ô tô, tiền đề để sau này gắn bó với Haxaco, ông Đỗ Tiến Dũng kể: “Năm 1994, tôi tốt nghiệp Đại học Thương mại, chuyên ngành Tài chính – Kế toán, vốn chẳng liên quan gì đến xe cộ. Thời điểm đó, kiếm việc rất khó, tôi không có nhiều lựa chọn. Qua quen biết, tôi xin làm nhân viên bán hàng tại nhà máy Ô tô Hoà Bình, nơi cũng đang thiếu người. Nhờ ngoại hình cao ráo và khả năng ngoại ngữ, tôi được tuyển vào bán xe BMW. Được nhận vào làm đã là một điều may mắn, tôi chỉ biết cố gắng và cứ thế gắn bó đến tận bây giờ.”
Nhớ lại quãng thời gian mới bước chân vào ngành ô tô, ông Dũng cho hay, mình từng bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt như lau xe, rửa xe rồi theo chân đàn anh để học hỏi kinh nghiệm. Theo lời ông Dũng, bán ô tô khi ấy rất vất vả. Không có điện thoại di động hay Internet, nhân viên bán hàng phải gõ cửa từng công ty để giới thiệu xe. Trong 100 nhân viên bán hàng của liên doanh Ô tô Hoà Bình thời điểm đó, chỉ khoảng 30% trụ lại với nghề.
“Rất may là tôi nằm trong số đó”, ông Dũng nhớ lại. Sau bốn năm làm việc tại Ô tô Hoà Bình, ông chuyển sang Toyota. Từ vị trí nhân viên, ông dần thăng tiến lên Phó phòng, Trưởng phòng rồi Giám đốc bán hàng.
Thời điểm làm Giám đốc bán hàng của Toyota Giải Phóng, ông Dũng từng kết hợp với công ty mẹ Savico mở một công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu nhưng đến năm 2005 thì tách ra mở công ty riêng. Năm 2011, công ty của ông Dũng có 6 showroom tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Giai đoạn 2011-2012, khi hoạt động nhập khẩu ô tô bị siết chặt bởi Thông tư 20, tôi phải đóng cửa toàn bộ showroom. Công việc đình trệ, tôi đầu tư cổ phiếu HAX của Haxaco – một doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz, cũng hoạt động trong ngành ô tô. Mua giá cao nhưng cổ phiếu cứ xuống dần, tôi mua thêm để trung bình giá và rồi trở thành cổ đông lớn”, ông Dũng kể về duyên nợ với Haxaco.
Vị Chủ tịch cho hay, sau khi bỏ ra hơn chục tỷ đồng, ông nắm khoảng 12% vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lúc này, cổ phiếu HAX đã rơi xuống dưới mệnh giá. Bay vào TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu, ông tá hoả vì phát hiện công ty đang đứng trên bờ vực phá sản: thua lỗ, nợ thuế, ngân hàng không cho vay, nội bộ lục đục.
“Tôi thương lượng với cổ đông khác để bán lại cổ phiếu nhưng họ không mua. Để mặc thì mất hết, thế là tôi quyết định mua lại 12% cổ phần từ họ, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24%, rồi tiếp tục gom thêm. Khi nắm 32% vốn, ngang bằng với Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), tôi quyết định ứng cử vào ban lãnh đạo”, ông Dũng kể.
Tháng 4/2013, sau một cuộc họp ĐHĐCĐ dài kỷ lục từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, ông Dũng được được bầu làm Tổng giám đốc. Từ một nhà đầu tư cổ phiếu đến người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, tình thế “bất đắc dĩ” đó đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông.
Ngồi vào “ghế lái” của Haxaco ở tuổi 40, cảm thấy bản thân đủ trẻ, đủ hoài bão và đủ sức lực để vực dậy công ty, ông Đỗ Tiến Dũng quyết định bỏ hết công việc ở Hà Nội để vào TP. Hồ Chí Minh làm việc.
Thế nhưng, vị Tổng giám đốc khi ấy không thể ngờ rằng, vừa đưa “chiếc xe” Haxaco lăn bánh đã vấp phải “ổ gà”. Nhậm chức được hai ngày, ông Dũng nhận quyết định cưỡng chế thuế của Haxaco. Ngày thứ ba, đến lượt ngân hàng siết nợ 20 tỷ. Ngày thứ 4, ông bị công an triệu tập để làm rõ các nghi vấn về việc ban lãnh đạo cũ tham ô, gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Rất may, sai phạm của họ chưa đến mức bị xử lý hình sự. Vấn đề lớn hơn lúc này là khoản nợ 20 tỷ của công ty và phía Samco không có điều kiện chi trả. Tôi chẳng còn sự lựa chọn nào, đâm lao phải theo lao, dù gì cũng đổ hết tài sản vào Haxaco rồi, tôi thế chấp căn nhà tại Hà Nội cho ngân hàng để trả nợ cho công ty. Điều này cũng khiến phía Samco nhìn nhận được sự quyết tâm và nhiệt huyết của tôi”, ông Dũng nói về một trong những quyết định táo bạo nhất cuộc đời mình.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tình trạng thực tế của Haxaco, theo ông Dũng, chẳng khác nào một chiếc ô tô trông còn nguyên vẹn nhưng đã hỏng nặng bên trong: “Giá trị thực của Haxaco khi đó chỉ khoảng 40 tỷ, chủ yếu là tài sản cố định chứ không có tiền. Nhà kho 200m2 toàn chất đầy đồ hỏng hóc nhưng chưa khấu hao hết, không thể thanh lý. Lương công nhân quá thấp, chỉ 3-4 triệu, ai cũng nản. Xưởng dịch vụ đầy rẫy tiêu cực, công nhân tráo phụ tùng của công ty như cơm bữa. Khách hàng đến thay bóng đèn thì họ sẽ chỉ khách ra ngoài rồi “tuồn” hàng công ty ra lắp, sau đó mua phụ tùng dởm bỏ vào kho. Còn bộ phận kinh doanh thì xe nào “ngon” mới bán, xe tồn cứ để đó”.
Trước tình trạng này, ông Đỗ Tiến Dũng quyết định xin cơ chế đặc thù để tăng lương cho công nhân. Họ sẽ được hưởng lương cơ bản và lương khoán, làm nhiều sẽ được cộng thêm để khuyến khích. Còn lãnh đạo sẽ phải giảm 20-25% lương, riêng ông Dũng chỉ nhận 50%.
“Tôi đi lên từ nhân viên bán hàng, từng thời gian làm ở xưởng dịch vụ và cũng học tài chính nên nắm bắt được các vấn đề của Haxaco. Nhiều khó khăn, tôi làm từng việc một”, cứ như vậy ông Dũng từng bước “sửa chữa” lại các bộ phận đang “trục trặc” của Haxaco.
Việc đầu tiên mà ông thực hiện là chấn chỉnh lại xưởng dịch vụ của Haxaco – vốn nổi tiếng trong ngành với nhiều thợ giỏi nhưng đang dần mai một vì khủng hoảng.
“Tôi tiến hành một cuộc tổng kiểm kê và yêu cầu công nhân trả lại một nhà kho “sạch sẽ”. Đồ gì đã bán thì không truy cứu, nhưng phụ tùng dởm phải bị loại bỏ, muốn bán hay đem về nhà cũng được. Sau đó, tôi xây căng-tin cho công nhân vì nghĩ rằng có sức khỏe mới làm việc được. Vả lại, nếu buổi trưa ngoài ăn mà có chén rượu thì buổi chiều khó lòng làm việc hiệu quả. Rồi tôi lắp máy lạnh vào phòng nghỉ cho kỹ thuật viên, vì thấy họ vật vờ cả buổi trưa mệt mỏi quá. Cảm thấy được quan tâm đến quyền lợi, họ có niềm tin trở lại với công ty”, ông Dũng nói về những thành công đầu tiên trên cương vị Tổng giám đốc của Haxaco. Chỉ sau 1 tháng, xưởng dịch vụ đã mang về lợi nhuận.
Tiếp theo là chấn chỉnh bộ phận bán hàng. Sau khi trao đổi và được sự ủng hộ của Samco, ông Dũng đã thực hiện một cuộc “thay máu” tại Haxaco khi sa thải hơn 50% nhân viên – những người mà ông cho rằng “đã quá chây ỳ và không còn khả năng làm việc hiệu quả”. Ngay cả các trưởng phòng bán hàng, vốn là “con ông cháu cha”, cũng không được giữ lại nếu không có năng lực. Ông quan niệm, việc này cũng giống như thay dầu để động cơ có thể hoạt động trơn tru trở lại. Đội ngũ bán hàng làm việc hiệu quả hơn, Haxaco gượng dậy và bắt đầu bù đắp được phần thua lỗ.
Haxaco hồi sinh, nhân viên quý mến, ông Dũng được tung hô là “anh hùng”. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, tình thế của ông lúc đó chẳng khác nào anh chàng bị đẩy xuống làn nước dữ trong mẩu truyện cười kia: “Nếu biết khó như vậy, tôi đã không làm. Đằng này càng làm lại càng khó. Nhưng Haxaco lúc đó đã là “máu thịt” của tôi. Bằng bản năng sinh tồn, tôi buộc phải bước tiếp. Bên này đã là vực thẳm, bên kia có là rừng rậm cũng phải đi. Mấy chục năm làm ô tô, giờ mà hỏng thì cũng chẳng thể đi làm thuê được nữa, ai còn tin tôi nữa”.
Dồn hết tài sản và danh dự vào Haxaco, ông Dũng chia sẻ mình “chiến đấu bằng 500% sức lực”. Thời điểm đó, ông tự quy định bản thân làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Buổi tối, ông có thể cùng Ban Giám đốc làm tới 8-9h, vì “lúc đó mới yên tĩnh để xem xét chi phí thế nào, hoạt động ra sao”.
“2-3 tháng liền tôi không về nhà vì làm việc cả thứ 7. Tôi thường tranh thủ những đợt ra Hà Nội để xin nghỉ không lương một ngày, dành thời gian chơi với con gái. Ở TP. Hồ Chí Minh một mình, có những ngày nấu cơm xong mà không muốn ăn. Nản lắm chứ. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình phải khổ như vậy? Nhưng bỏ dở và quay lại Hà Nội thì lương tâm không cho phép. Có lẽ vì cái tôi lớn, muốn được công nhận, không chấp nhận sự thất bại, tôi mới vượt qua được thời điểm khó khăn đó”, ông Dũng tâm sự.
Ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ, trong hành trình “cầm lái” Haxaco, những “khúc cua gấp” hay “đoạn đường xấu” là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như năm 2015, khi nhìn ra hướng đi mới, ông đề xuất đóng cửa chi nhánh Cần Thơ và tiến ra Hà Nội.
“Tôi đánh giá thị trường Cần Thơ không thể bằng thị trường Hà Nội. Mercedes-Benz là xe sang, cũng giống như khách sạn 5 sao vậy, phải mở ở phố thì mới có khách. Chưa kể, thị trường Hà Nội lại là thế mạnh của tôi. Dù vậy, đề xuất của tôi vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các cổ đông. Đóng cửa đã mất tiền, mở thêm chi nhánh lại mất thêm tiền”, ông Dũng nói về quyết định lớn thứ hai trong sự nghiệp.
Cuối cùng, ông Dũng cũng thuyết phục thành công cổ đông lớn nhất Samco, đưa Haxaco “tiến quân” ra Bắc. Năm 2015, Haxaco khai trương chi nhánh đầu tiên tại Láng Hạ - một trong những con đường sôi động, hiện đại bậc nhất Hà thành bấy giờ. Năm 2016, thời điểm Mercedes-Benz “trình làng” một loạt mẫu xe mới, Haxaco – lúc này đã sẵn địa điểm – bán hàng rất tốt. Ngay trong năm đó, doanh nghiệp mở thêm chi nhánh tại Kim Giang, chuyển trạng thái từ khó khăn sang có lãi.
“Khi ấy, chúng tôi có đủ thiên thời (mẫu xe mới), địa lợi (thị trường, địa điểm phù hợp) và nhân hoà (kết hợp được những người giỏi). Đối với tôi, đây là yếu tố quan trọng nhất. Nếu năm 2013, tôi không khiến cho nhân viên tin tưởng, thì hai năm sau tôi cũng không thể chớp lấy cơ hội này”, ông Dũng nói.
Vị Chủ tịch nhấn mạnh, yếu tố này càng được thể hiện rõ hơn trong giai đoạn Covid-19, thời điểm Haxaco cũng như một loạt doanh nghiệp phân phối ô tô “khựng” lại.
“Năm 2020, Haxaco có hơn 1.000 nhân viên với mức lương trung bình 12 triệu/người/tháng. Tháng đầu tiên lock-down, chúng tôi phải đóng cửa toàn bộ showroom, hoạt động kinh doanh đóng băng nhưng vẫn trả đủ khả năng 12 tỷ tiền lương. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 3, trước áp lực thuê mặt bằng, trả lãi ngân hàng, chúng tôi buộc phải tính đến cắt giảm chi phí”, ông Dũng cho biết, đây là một trong những “đoạn đường xấu” nhất mà Haxaco từng đi qua.
Dù khó khăn nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố gắng để bảo đảm đời sống của nhân viên: “Ừ thì không ai đi làm, nhưng nếu cắt hết thì họ lấy gì để sống? Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định chỉ cắt giảm một phần, lương trung bình xuống còn 7 triệu/người/tháng. Haxaco cũng trích quỹ để mua gạo, nhu yếu phẩm cho ai khó khăn thì tới lấy. Mặt khác, tôi và Tổng giám đốc cũng tự mình đi xin từng suất tiêm phòng cho nhân viên”.
Theo ông Dũng, chính sách nói trên đã tạo động lực rất lớn cho nhân viên trong thời điểm khó khăn. Có những nhân viên của Haxaco khi nhận được hỗ trợ của công ty đã chuyển khoản trả lại dành cho những người hoàn cảnh hơn. Có những người không thể về quê hay ở gần công ty đã xung phong trực nhà xưởng.
“Kết thúc giãn cách xã hội, nhân viên của tôi tự làm đến 8h tối mà vẫn rất vui vẻ. Họ nỗ lực hết mình vì công ty. Bất chấp dịch bệnh, năm 2020 của chúng tôi thành công rực rỡ, lợi nhuận 6 tháng cuối năm bùng nổ”, ông Dũng tự hào.
Đối với Chủ tịch Haxaco, nhân sự chính là định nghĩa cho sự thành công của doanh nghiệp, doanh nhân: “Nhân sự là thành công lớn nhất của tôi. Tôi rất tự hào rằng, từ năm 2013 đến nay, Haxaco không mất đi một người thợ nào. Dù khó khăn, họ vẫn đồng hành cùng tôi, sẵn sàng làm việc bằng hết khả năng và sức lực của họ”.
Vì vậy, Haxaco luôn chú trọng xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, phát hành cổ phiếu thưởng ESOP để doanh nghiệp thực sự có thể trở thành một ngôi nhà mà mọi người cùng chung tay xây dựng, thay vì là nơi làm việc.
Ở chiều ngược lại, bản thân ông Dũng cũng nỗ lực vì nhân viên. Chủ tịch Haxaco cho rằng, càng có nhiều nhân viên thì trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội lại càng lớn. Nếu như 10-20 năm trước đây, ông làm việc vì cá nhân, vì gia đình thì đến thời điểm này, ông làm vì trách nhiệm với những người đi cùng mình.
“Trách nhiệm của tôi là đảm bảo 2.500 nhân viên của mình có đủ thu nhập để nuôi gia đình. Tôi hy vọng nhân viên của mình kiếm được nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền, vì họ có giàu, thì đất nước mới phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch Đỗ Tiến Dũng theo đuổi triết lý “kinh doanh bằng lòng tự tôn dân tộc”. Đây cũng là một trong những bí quyết quan trọng để Haxaco vươn lên, giành được vị trí dẫn đầu về phân phối Mercedes-Benz tại Việt Nam: “Trước đây, vị trí này luôn thuộc về một doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Khi tôi mới nhậm chức tại Haxaco, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam Michael Behrens có hỏi tôi đánh giá thế nào về đối thủ ngoại đó. Tôi liền trả lời: “Hãy cho tôi 6 tháng! Tôi tin rằng, người Việt Nam có thể làm tốt hơn người nước ngoài. Với tất cả những gì có thể, tôi sẽ vượt qua họ, vì tôi tự hào tôi là người Việt Nam!”. Và tôi đã làm được”.
Ông Dũng cho rằng, không có lý do gì mà một doanh nghiệp Việt Nam, vốn hiểu tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam hơn, lại không thể làm tốt bằng doanh nghiệp ngoại. Do đó, ông đã lan toả chiến lược bán hàng bằng lòng tự hào người Việt cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người Việt đến nhân viên.
Triết lý “Kinh doanh bằng lòng tự tôn dân tộc” không chỉ thể hiện trong cách Haxaco phục vụ khách hàng mà còn trong mối quan hệ hợp tác với đối tác. Ông Dũng kể về một lần tranh cãi với Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam về hạch toán chi phí: “Nếu ở Đức, ông ấy không sai, nhưng tại Việt Nam thì cách đó không đúng. Tôi chỉ nói với ông ấy rằng: “Tôi sẽ không làm điều gì không đúng với luật pháp đất nước tôi’. Tôi muốn họ hiểu và tôn trọng quy định của chúng ta”.
Mặt khác, trong quá trình phát triển Haxaco, ông Dũng cũng luôn gắn những lựa chọn kinh doanh với lợi ích của người tiêu dùng. Gần đây, nhận thấy Haxaco cần mở rộng thị trường, ông quyết định phân phối thêm Morris Garages (MG) – một thương hiệu xe hơi của Anh, do Trung Quốc sản xuất.
“Dòng xe này có giá thành rẻ, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, mà theo kinh nghiệm của tôi, hoàn toàn phù hợp với thị trường Việt Nam tại thời điểm này”, ông Dũng nói.
Đích thân tới tham quan nhà máy MG tại Trung Quốc, ông Dũng cho hay, công nghệ ô tô ở đây đã tiệm cận và có thể vượt châu Âu, nên hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Bên cạnh đó, MG cũng đang được tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, còn phần dư để xuất khẩu. Điều này khiến giá cả xe MG tại Việt Nam trở nên cạnh tranh, giúp kéo giảm giá thành xe hơi chung trên thị trường. Mặt khác, Tập đoàn SAIC – chủ thương hiệu MG cũng cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
“Tại sao người Việt lại không thể sở hữu ô tô khi đó là phương tiện an toàn hơn rất nhiều so với xe máy? Sở dĩ tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam còn thấp là do giá thành quá cao. Giờ tính ra thu nhập 15 triệu/tháng trở lên đã có thể tích luỹ mua xe, chẳng phải quá tốt sao?” Chủ tịch Haxaco trăn trở.
Chia sẻ với VietnamFinance nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Đỗ Tiến Dũng tâm sự, dù nhiều người cho rằng doanh nhân làm giàu để nâng cao cuộc sống cho bản thân và gia đình, nhưng ông tin rằng khi cuộc sống đã đủ đầy, điều mà họ mong muốn hơn cả là cống hiến cho đất nước, xã hội.
“Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi muốn làm điều có ích để được trân trọng và công nhận. Tôi có những tiêu chí kinh doanh của riêng mình. Thứ nhất, tôi luôn đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu trước khi nghĩ đến lợi nhuận. Thứ hai, đối với tôi, niềm tự hào rất lớn là được cơ hội đóng góp cho xã hội và cộng đồng thông qua việc đóng thuế. Và cuối cùng là sự cố gắng để lo lắng cho đời sống cho toàn thể cán bộ công nhân viên của tôi. Bởi lẽ, khi thực hiện được những tiêu chí đó, tôi mới có thể nhận được sự tôn trọng của mọi người và hưởng thụ thành quả kiếm được một cách vui vẻ. Tôi rất tâm đắc câu nói “mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình”. Trước đây, chúng ta có nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi với những đóng góp lớn lao cho chính quyền cách mạng. Còn ngày nay, chủ các tập đoàn lớn như Vingroup, Thaco,… - những doanh nghiệp đã thay đổi diện mạo đất nước bằng những dự án tầm cỡ - cũng xứng đáng được coi là những doanh nhân dân tộc, là tấm gương của cộng đồng doanh nhân”, ông Dũng nói.
Thực hiện: Thái Hà
Thiết kế: Cao Duy
Thái Hà -
19/10/2024
Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.
(VNF) - Kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2013, Starbucks đã không chỉ mang đến trải nghiệm cà phê cao cấp mà còn từng bước khẳng định vai trò là một thương hiệu toàn cầu với trách nhiệm xã hội sâu sắc. Trải qua một thập kỷ, Starbucks Vietnam đã chứng minh cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động cộng đồng, chương trình bảo vệ môi trường, và chiến lược phát triển bền vững.
(VNF) - Năm 2024, ngành giao thông vận tải ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng, trong đó đáng chú ý là việc Quốc hội thông qua chủ đương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành nhiều tuyến đường bộ cao tốc, Hà Nội và TP.HCM vận hành 2 tuyến Metro hiện đại
(VNF) - Trong năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật, trong đó phải kể đến những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá... cũng như những tín hiệu tích cực từ việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng.
(VEF) - Người dân còn hoài nghi, e ngại với bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau nhưng chắc chắn không “quay lưng”, bởi những lợi ích lâu dài mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho người tham gia nói riêng, cho an sinh xã hội nói chung
(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.
(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.
ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong
hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.
(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.
(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.