Triều Tiên phát triển vũ khí sinh học mặc cho Mỹ nỗ lực 'cô lập'

Lê Anh - 21/12/2017 07:17 (GMT+7)

(VNF) Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch phát triển vũ khí của mình, trong đó có cả vũ khí hóa học và sinh học.

VNF
Hàn Quốc từng khẳng định Triều Tiên sở hữu khoảng 2.500 - 5.000 tấn vũ khí sinh học.

Tờ Asahi (Nhật Bản) ngày 19-12 đưa tin Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm nạp virus bệnh than vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), thông tin trên được tiết lộ bởi một nhân vật giấu tên có liên hệ với các cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Quá trình thử nghiệm bao gồm việc đảm bảo virus bệnh than có thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt trong quá trình tên lửa quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

Trước đó một ngày Nhà Trắng đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó có đề cập đến kế hoạch triển "vũ khí hóa học và sinh học có thể gắn vào tên lửa" của Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc cũng từng khẳng định Triều Tiên sở hữu khoảng 2.500 - 5.000 tấn vũ khí sinh học và quốc gia này có khả năng sản xuất ra những virus gây bệnh, bao gồm bệnh than và đậu mùa.

Mỹ tìm mọi cách "cô lập" Triều Tiên

Ngày 19/12, Mỹ đã đề xuất Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bổ sung 10 tàu chở hàng của Triều Tiên vào "danh sách đen" những tàu bị cấm cập cảng các nước.

Đề xuất của Mỹ sẽ được thông qua trong tháng này nếu không có thành viên nào trong ủy ban trừng phạt Triều Tiên của HĐBA phản đối. Khi đó, các quốc gia bị buộc phải cấm những tàu có tên trong "danh sách đen" cập cảng của mình.

Mỹ đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ bổ sung 10 tàu chở hàng của Triều Tiên ào "danh sách đen.

Trước đó, hồi tháng 10, Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên đã đưa vào "danh sách đen" 4 tàu chở than, hải sản và quặng sắt từ Triều Tiên. Đây là những mặt hàng Bình Nhưỡng bị cấm xuất khẩu theo các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ.

Đến nay, HĐBA LHQ cùng các cường quốc trên thế giới đã áp đặt nhiều nghị quyết trừng phạt để ngăn chặn Triều Tiên nhằm cắt đứt nguồn kinh phí cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Các lệnh cấm bao gồm cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu những mặt hàng như than, dệt may, hải sản, quặng và một số khoáng sản khác.

Trong chuyến thăm chớp nhoáng tại Ottawa thuộc Ontario (Canada) ngày 19/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp chủ nhà Chrystia Freeland cùng thông báo lập một nhóm quốc tế hành động nhằm tăng áp lực lên Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland.

Nhóm này có tên "Nhóm Vancouver", gồm 16 nước từng tham gia liên minh quân sự do LHQ dẫn đầu trong chiến tranh liên Triều, cùng các thành viên mới là Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Thụy Điển và một số nước khác.

Nhóm sẽ gặp nhau lần đầu vào ngày 16-1 ở Vancouver (Canada), nhằm "thể hiện sự đoàn kết quốc tế trước sự nguy hiểm và các hành động bất hợp pháp của Triều Tiên", như lời Ngoại trưởng Canada Freeland.

Nhà ngoại giao Mỹ cho biết chiến dịch tăng áp lực sẽ không dừng lại đến khi nào Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho phép quốc tế thẩm tra điều đó.

Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên không tỏ thái độ gì mặn mà với lời đề nghị đối thoại của ông Tillerson tuần trước.

Cùng chuyên mục
Tin khác