Tài chính tiêu dùng

Trung gian thanh toán: Cuộc chơi hấp dẫn, Fintech sẵn sàng đổ tiền

(VNF) - Ngày nay, ở mọi con hẻm, góc phố, ngày càng xuất hiện nhiều các máy POS, mã QR Code hay thông tin chuyển khoản phục vụ thanh toán online với rất nhiều hình thức đa dạng. Rất nhiều trong đó không phải là của ngân hàng cung cấp mà của các đơn vị trung gian thanh toán mà đằng sau nó là các Fintech.

Trung gian thanh toán: Cuộc chơi hấp dẫn, Fintech sẵn sàng đổ tiền

Bám rễ sâu và lan rộng

Các đơn vị trên là bên thứ ba, là trung gian trong các hoạt động thanh toán. Trung gian thanh toán là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán. Các loại dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay có phạm vi hoạt động khá rộng và mô hình dịch vụ rất đa dạng và mới mẻ.

Cụ thể, các trung gian thanh toán hoạt động về cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử như dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử hay cổng thanh toán điện tử. Bên cạnh đó là các dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán như hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử… Với khách hàng, tiếp cận gần gũi và dễ hiểu nhất về các trung gian thanh toán là các loại ví điện tử như MoMo, Moca, VNPAY… giúp khách hàng có thể chuyển khoản trực tiếp qua ngân hàng hoặc thanh toán thông qua bên thứ ba trực tiếp tới ngân hàng.

Một người tiêu dùng mua một cốc cà phê với giá 50.000 đồng, số tiền phải trả cho quán là 50.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền quán thực nhận sẽ có sự chênh lệch ở mỗi hình thức thanh toán. Trong trường hợp khách thanh toán qua ngân hàng bằng hình thức chuyển khoản, quán sẽ nhận về ngay 50.000 đồng. Còn khách thanh toán qua bên thứ ba (trung gian thanh toán), quán sẽ nhận về dưới 50.000 đồng vì phải trả phí cho bên cung cấp dịch vụ, đồng thời tiền về tài khoản sẽ có độ trễ nhất định.

Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ tốn chi phí hơn so với thanh toán ngân hàng. Song đây lại là cách giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và tạo ra hiệu quả lợi nhuận hơn… Ở Việt Nam, trung gian thanh toán dường như là nơi mang lại thành công nhiều nhất cho các Fintech và cũng là lĩnh vực hấp dầu đầu tư lớn của các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Cũng từ đây, cuộc chiến về thanh toán cũng dần lộ diện giữa các bên cung cấp dịch vụ.

Trao đổi về hoạt động của các trung gian thanh toán, một doanh nghiệp ở TP. HCM chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán cho các trung tâm thương mại, chuỗi cà phê lớn ở Việt Nam cho biết, lý do các doanh nghiệp vẫn chọn trung gian thanh toán vì tính tiện dụng và hiệu quả. Trung gian thanh toán sẽ mang đến cho doanh nghiệp giải pháp thanh toán đa kênh, giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm tiện lợi, dễ dàng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng giảm tải được các khâu, quá trình thanh toán ở các tổ chức tín dụng.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn hợp tác với chúng tôi vì ngân hàng có ít phương thức thanh toán hơn các bên trung gian thanh toán. Hơn nữa, doanh nghiệp phải đi làm việc, kết nối với từng bên sẽ mất nhiều thời gian, luồng vận hành và đối soát. Còn chuyển sang trung gian thanh toán thì chỉ cần đi theo một luồng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhân lực”, lãnh đạo Fintech về trung gian thanh toán cho biết.

Còn ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhận định rằng thanh toán bằng ví điện tử hay ngân hàng số tương đối giống nhau. Tuy nhiên, ví điện tử thường có hệ sinh thái đa dạng, giao diện thân thiện, tích hợp nhiều tính năng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, trong khi các app ngân hàng vẫn thiên về dịch vụ ngân hàng.

Song, không phải doanh nghiệp nào cũng chọn trung gian thanh toán. Ví dụ như một công ty ở Hà Nội chuyên về đầu tư tài chính đã chuyển từ trung gian thanh toán về dùng ngân hàng số cách đây hai năm. Lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân khiến đơn vị dùng ngân hàng số vì phí dịch vụ rẻ và thời gian nhận tiền nhanh hơn.

“Trước đây, chúng tôi thấy việc kết nối với ngân hàng khá khó khăn nhưng hiện nay khá dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Một điểm cộng khác là khi thanh toán qua ngân hàng, tiền có thể về luôn tài khoản, chứ không phải chờ sau một ngày (T+1) như trung gian thanh toán”, lãnh đạo công ty trên nêu quan điểm.

Tiềm năng và thách thức

Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có 48 tổ chức không phải là ngân hàng hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong khi năm 2021, con số này chỉ là 37. Những “ông lớn” lớn trên thị trường như Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT cũng nhanh chóng gia nhập đường đua này.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại, nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 11/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch thanh toán không tiền mặt đã tăng 85% về số lượng và 31% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 89% và 40%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 116% và 92%; qua QR code tăng tương ứng 182% và 210%; qua POS tăng tương ứng 53% và 48%. Điều này cho thấy, các tiện ích thanh toán qua kênh số đang chiếm ưu thế, phản ánh sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hoạt động trung gian thanh toán hiện vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, như khung khổ pháp lý về dịch vụ trung gian thanh toán, Fintech còn thiếu và chưa đồng bộ, khó khăn trong triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng. Ví dụ, việc quy định khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và liên kết ví với thẻ ngân hàng gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Không những thế, lĩnh vực ví điện tử chưa có văn bản điều chỉnh chi tiết. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời xây dựng thông tư thay thế Thông tư 39/2014/TT-NHNN để ban hành ngay khi nghị định thay thế này có hiệu lực.

Đối với khung khổ pháp lý thử nghiệm Fintech, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ban hành vì còn nhiều ý kiến khác nhau của các bộ ngành.

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức trung gian thanh toán, Fintech chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín và chờ đợi.

Tin mới lên