Tài chính quốc tế

Trung Quốc lại ‘ra chiêu’ để cứu bất động sản

(VNF) - Bộ Nhà ở, Phát triển đô thị, Nông thôn Trung Quốc ngày 26/1 cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp thêm các khoản vay cứu trợ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của mình với gói đầu tiên dự kiến sẽ có trong những ngày tới.

Trung Quốc lại ‘ra chiêu’ để cứu bất động sản

Những rắc rối trong ngành bất động sản là một trong những trở ngại chính mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

Những rắc rối trong ngành bất động sản là một trong những trở ngại chính mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt, với việc chính phủ siết chặt việc vay mượn quá mức vào năm 2020 khiến một số nhà phát triển bất động sản phải vật lộn với khoản nợ khổng lồ và nhu cầu sụt giảm.

Tờ báo chính thức của Bộ Nhà ở, Phát triển đô thị, Nông thôn Trung Quốc dẫn lời các quan chức cho biết: “Trước những khó khăn về tài chính hiện tại của một số dự án bất động sản, chính quyền địa phương sẽ đề xuất danh sách các dự án bất động sản có thể được hỗ trợ tài chính”.

“Điều này được hiểu rằng các khoản vay sẽ có sẵn cho loạt danh sách dự án đầu tiên trước cuối tháng”, tờ này cho hay.

Báo cáo cho biết, một cơ quan quốc gia sẽ được thành lập để giám sát các khoản vay.

Trung Quốc đã ban hành nhiều đợt quỹ cứu trợ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, trong đó Bắc Kinh cho biết trong tuần này rằng các ngân hàng của họ đã cung cấp gần 1,4 nghìn tỷ USD cho các khoản vay cho bất động sản vào năm ngoái.

Lĩnh vực bất động sản, từ lâu đã chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế và có mức tăng trưởng chóng mặt trong hai thập kỷ, đã bị bao vây bởi cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng tại một số nhà phát triển hàng đầu trong những năm gần đây.

Khủng hoảng tài chính tại các công ty lớn như Evergrande và Country Garden hiện đang làm tăng thêm sự nghi ngờ của người mua trong bối cảnh các dự án nhà ở chưa hoàn thiện và giá cả giảm.

Một tòa án ở Hồng Kông vào đầu tuần tới sẽ xem xét đơn thỉnh cầu giải quyết tranh chấp đối với Evergrande do các chủ nợ nước ngoài đứng đầu.

Và những người ra quyết định hàng đầu của Bắc Kinh, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã cam kết tại cuộc họp kín thường niên vào tháng 12 rằng sẽ “xoa dịu rủi ro một cách tích cực nhưng an toàn trong lĩnh vực bất động sản” và “đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các doanh nghiệp bất động sản”, theo AFP.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 24/1 mới đây cũng đã công bố “gói sơ cứu kinh tế” lớn nhất trong hai năm. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, chuyển thành gói bơm thanh khoản khoảng 140 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, bắt đầu từ ngày 5/2.

Việc giảm dự trữ bắt buộc của ngân hàng diễn ra trong bối cảnh những thách thức phục hồi sau đại dịch đang làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các quan chức ở Bắc Kinh đang phải đối mặt với triển vọng giảm phát, khủng hoảng nhà đất và sự hỗn loạn gần đây trên thị trường chứng khoán nước này, với chỉ số Shanghai SE Composite Index đạt mức thấp nhất trong 5 năm trong những ngày gần đây.

Xem thêm >> Bị Trung Quốc ‘đe doạ ngầm’, EU lên tiếng cảnh cáo

Tin mới lên