Trung Quốc: Thủy phi cơ lớn nhất thế giới sẽ đến tay khách hàng vào năm 2022
Chu La -
14/05/2018 15:03 (GMT+7)
(VNF) - Việc phân phối máy bay AG-600, chiếc thủy phi cơ lớn nhất Trung Quốc cũng là lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ được bắt đầu vào năm 2022, theo Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC).
“Chúng tôi đang cố gắng để được cấp chứng nhận từ cơ quan hàng không dân dụng trong năm 2021 và sẽ bắt đầu cung cấp cho các khách hàng từ năm 2022”, theo lời ông Huang Lingcai, thiết kế trưởng phụ trách dự án máy bay AG-600 của AVIC.
Dự kiến sắp tới các nhà sản xuất sẽ tiến hành thử nghiệm cho AG600 cất cánh từ cơ sở nghiên cứu của nó tại thành phố Chu Hải, nằm gần Macau, đến thành phố Kinh Môn ở tỉnh Hồ Bắc, sau đó sẽ cất cánh thử nghiệm từ mặt nước vào cuối năm nay.
Thủy phi cơ lớn nhất thế giới cất cánh lần đầu ở Trung Quốc.
Kể từ khi ra mắt tại triển lãm hàng không Chu Hải vào cuối tháng 10/2016, thủy phi cơ AG-600 đã hoàn thành các bài kiểm tra chất lượng dưới mặt đất như khả năng hoạt động của hệ thống điện tử, hệ thống kiểm soát môi trường và điều khiển bay.
Theo các nhà phân tích quân sự, thủy phi cơ AG600 là chiếc máy bay lớn nhất thế giới, có trọng lượng cất cánh 53,5 tấn, hút được 12 tấn nước trong vòng 20 giây để phục vụ mục đích chữa cháy rừng cũng như thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trên biển.
Với kích thước gần bằng máy bay Boeing 737, AG-600 lớn hơn bất kỳ loại máy bay nào được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên biển.
Thủy phi cơ AG-600 hút được 12 tấn nước trong vòng 20 giây.
Thủy phi cơ này được trang bị 4 động cơ và có khả năng chuyên chở 50 người trong các cuộc tìm kiếm, cứu hộ trên biển.
AG-600 cũng có thể giúp Trung Quốc tăng cường năng lực tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông, đồng thời xây các đường băng, cùng cơ sở hạ tầng có thể phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự trên những đảo nhân tạo.
AG-600 có khả năng bay xa 4.500 km và cất cánh với trọng lượng tối đa 53,5 tấn.
Vào tháng 12 năm ngoái, nhiều hãng tin Trung Quốc cho biết AVIC đã nhận được 17 đơn đặt hàng thủy phi cơ AG-600.
Theo Trung Quốc, AG600 sẽ được dùng trong các hoạt động cứu hộ trên biển, chữa cháy và tuần tra hàng hải.
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hàng không nội địa để tránh phụ thuộc và thậm chí thách thức những hãng hàng không lớn trên thế giới, như Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.