Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: 'Dư địa quá hẹp để hỗ trợ vài chục tỷ USD'

(VNF) - Dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều để thực hiện một chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô lớn. Nếu cố thúc đẩy, hiệu quả chưa thể chắc chắn nhưng rủi ro bất ổn vĩ mô thì khá rõ ràng.

TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: 'Dư địa quá hẹp  để hỗ trợ vài chục tỷ USD'

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. HCM.

Hỗ trợ là cần thiết, nhưng...

Chính phủ đang chuẩn bị nội dung cho một chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế cho giai đoạn tới. Dự kiến, đây sẽ là chương trình hỗ trợ có quy mô rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài và độ bao phủ rộng với kì vọng nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP. Khách quan mà nói, đây là chương trình cần thiết để vực dậy nền kinh tế sau thời gian dài bị tàn phá bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, quy mô, nội dung, cách thực hiện của chương trình hỗ trợ này có nhiều điểm cần phải được xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng.

Điều đầu tiên cần thấy là mọi chương trình phục hồi đều phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trọng tâm. Bởi vậy, điều quan trọng nhất ngay lúc này là Chính phủ phải có quy chế cho doanh nghiệp trở lại hoạt động, người dân được làm việc như bình thường; loại bỏ những rào cản mang tính cục bộ ở địa phương khi phòng chống dịch, đảm bảo nhất thống trong toàn quốc. Chính phủ cũng phải có cam kết mạnh mẽ để doanh nghiệp, người dân tin rằng “bình thường mới” là một trạng thái bền vững; tránh tình trạng “mở ra đóng vào” khiến niềm tin kinh doanh vụn vỡ.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên cân nhắc về việc tạm hoãn các kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong ít nhất 1 năm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Tất cả là để tập trung toàn lực cho việc tái thiết sản xuất, kinh doanh.

Về quy mô gói hỗ trợ (quy ra tiền), có hai điểm cần lưu ý. Một là Chính phủ phải giải thích được vì sao chương trình hỗ trợ lại có quy mô đó. Hai là năng lực tài chính quốc gia còn đủ dư địa cho quy mô đó không. Chúng ta biết rằng ngân sách đã hao tốn quá nhiều trong 2 năm qua để thực hiện chiến lược “Zero Covid”. Do đó, chương trình hỗ trợ mới không nên tạo ra thêm một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của ngân khố quốc gia.

Đáng xem xét hơn nữa là dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay rất hạn hẹp để tung ra một gói hỗ trợ có quy mô quá lớn. Cụ thể, về dư địa tiền tệ, dù lạm phát 10 tháng qua ở mức thấp (chỉ tăng 1,81%) song nguy cơ lạm phát cao trong thời gian tới là rất rõ ràng do chi phí nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí logistics đang tăng rất mạnh. Lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất tăng theo. Doanh nghiệp đang yếu, gặp lãi cao sẽ rất khó kinh doanh.

Nếu Chính phủ cố ép lãi suất và tăng bơm tiền ra nền kinh tế, tiền chưa chắc đến được khu vực sản xuất mà nhiều khả năng sẽ chảy sang các kênh đầu cơ và tạo nên bong bóng giá tài sản. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, nền kinh tế sau 2 năm dịch bệnh đã kiệt quệ, không đủ sức để hấp thụ một lượng vốn khổng lồ. Càng bơm tiền mạnh, bong bóng giá tài sản càng phình to, đe dọa tới sự ổn định vĩ mô. Đây là vết xe đổ mà Việt Nam đã gặp phải hơn mười năm trước.

Về tài khóa, tỷ lệ nợ công hiện nay tuy thấp, song điều đó có được là do Chính phủ tính lại GDP, không phải do cải thiện số nợ, chưa kể cách tính nợ công của Việt Nam còn có khác biệt so với quốc tế. Việc tăng vay nợ để tăng chi tiêu cũng phải được cân nhắc rất kĩ, vì vay thì có thể dễ nhưng trả sẽ rất mệt.

Cũng có quan điểm xem dự trữ ngoại hối (hiện đạt khoảng 100 tỷ USD) là dư địa tài khóa, song đó là một ngộ nhận. Dự trữ ngoại hối không phải là khoản tiền dự trữ của nhà nước bằng ngoại tệ mà đó là tổng lượng ngoại tệ mà một nền kinh tế có. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính dự trữ ngoại hối theo đơn vị “tuần nhập khẩu”, tức là số ngoại tệ đang có đủ để nhập khẩu liên tục trong bao nhiêu tuần. Số lượng ngoại tệ này không thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước mà chủ yếu là tiền của doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư nước ngoài đang gửi tại các ngân hàng.

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước, bằng các công cụ điều hành chính sách, có thể tạo ra các giao dịch hoán đổi khi cần thiết, song về bản chất đó không phải là tiền của nhà nước để được tính là dư địa tài khóa.

Như vậy, có thể thấy, dư địa để tung ra một chương trình hỗ trợ quá lớn là không có đủ. Song điều quan trọng hơn cả là mục tiêu của chương trình hỗ trợ. Nền kinh tế Việt Nam như người vừa ốm dậy, mục tiêu lúc này hồi sức chứ không phải để tập luyện thi đấu nâng cao thành tích. Chúng ta phải giúp doanh nghiệp sống được trước khi nghĩ tới chuyện tăng trưởng cao.

Hỗ trợ ai, hỗ trợ như thế nào?

Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, với quy mô lớn, thời gian dài, tất yếu sẽ bao gồm nhiều chương trình thành phần để cụ thể hóa. Kinh nghiệm hai năm thực hiện hỗ trợ nền kinh tế vừa qua cho thấy cần có quan điểm toàn diện khi xét tới việc ưu tiên hỗ trợ ngành nghề nào, doanh nghiệp nào.

Đồng ý rằng chúng ta sẽ ưu tiên những ngành là xương sống của nền kinh tế quốc dân, có tác động lan tỏa lớn, song cũng cần đánh giá tới từng đối tượng để tránh gây ra tình trạng bất công bằng trong nền kinh tế. Sự lắt léo của câu chữ, quy chuẩn, tiêu chuẩn có thể khiến việc hỗ trợ thiếu minh bạch, bất công, thậm chí là trục lợi chính sách, gây bức xúc trong dư luận.

Đối với việc hỗ trợ thuế, phí, Chính phủ nên xem xét việc hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp đã có thu nhập chịu thuế, tức là họ có khả năng chống chịu, thậm chí phát triển “nhờ” dịch bệnh. Giảm thuế cho các doanh nghiệp này không có nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh tài khóa không rộng rãi, việc chi tiền vào đâu nên được tính toán kĩ lưỡng, sao cho tiết kiệm tối đa mà hiệu quả tối ưu.

Về tín dụng, cần thấy rằng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sẽ khát vốn, song vay vốn không dễ do hồ sơ không đẹp. Thay vì cố gắng ra được một gói cấp bù lãi suất để bơm vốn rẻ ra thị trường mà hiệu quả còn bị nghi ngờ và dễ gây hệ lụy, Chính phủ nên có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.

Về việc phát tiền trực tiếp cho người dân, đó là một nội dung tốt của chương trình hỗ trợ trong thời gian qua, song chưa hẳn là một ý tưởng tốt trong giai đoạn tới. Bởi việc phát tiền có ý nghĩa lớn nhất khi người dân thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại nhà.

Còn bây giờ, khi nền kinh tế đã bắt đầu hoạt động trở lại, việc hỗ trợ bằng tiền mặt nên được thực hiện dưới hình thức trợ giá cho các chi phí sinh hoạt như: tiền điện, tiền nước, tiền thuê mướn nhà trọ, học phí cho con trẻ, xăng dầu... Chúng ta cũng cần tính tới điều kiện của ngân sách nữa, vì Việt Nam không thể so sánh và học theo các nước giàu, chưa kể đặc điểm ăn ở, đi lại, chi tiêu của người Việt Nam cũng khác biệt với các nước.

Ở góc độ chủ quan, chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là nền tảng cho sự phục hồi. Trong nhiều năm, việc giải ngân đầu tư công thường chậm chạp, do vậy điều kiện hiện nay là cơ hội để Chính phủ mạnh tay trong giải ngân, cứu lấy nền kinh tế.

Tin mới lên