Diễn đàn VNF

TS Trần Khắc Tâm: ‘Để bứt phá ĐBSCL phải chọn được lãnh đạo giỏi, tâm huyết, đứng mũi chịu sào’

(VNF) - “Thách thức lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là đưa Nghị quyết 120 của Chính phủ vào cuộc sống. Các giải pháp Chính phủ đề ra là hoàn toàn đúng rồi, nhưng vấn đề bây giờ là phải bố trí đủ các nguồn lực để triển khai bằng được. Tôi cho rằng giải pháp để bứt phá là con người, là lựa chọn được những người lãnh đạo tài giỏi, tâm huyết, đứng mũi chịu sào để hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra”, TS Trần Khắc Tâm chia sẻ.

TS Trần Khắc Tâm: ‘Để bứt phá ĐBSCL phải chọn được lãnh đạo giỏi, tâm huyết, đứng mũi chịu sào’

TS Trần Khắc Tâm: ‘Để bứt phá ĐBSCL phải chọn được lãnh đạo giỏi, tâm huyết, đứng mũi chịu sào’

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chủ lực về nông - thủy sản của cả nước nhưng hiện đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Nhân dịp đầu năm, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, về chủ đề nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL và những kỳ vọng trong thập kỷ phát triển mới của đất nước.

- Là một doanh nhân đồng thời là lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp có thời gian làm việc xuyên suốt ở ĐBSCL, ông đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế vùng ĐBSCL trong 10 năm qua?

TS Trần Khắc Tâm: Được sự trợ giúp của các nhà khoa học và chuyên gia, VCCI chúng tôi vừa có báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020, trong đó phân tích, đánh giá bài bản rất rõ nhiều vấn đề, từ phát triển kinh tế - xã hội, các nguy cơ, thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, đến đề xuất các giải pháp để phát triển vùng đất này.

Theo như đề dẫn của TS Vũ Tiến Lộc, sau hơn ba thập kỷ kể từ đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là một đánh giá rất chính xác mà với một người con của ĐBSCL như tôi cảm nhận rất rõ.

Có thể thấy thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở ĐBSCL đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2019.

Nếu so sánh về tình hình kinh tế - xã hội tại thời điểm này với 10 năm trước thì chắc chắn đã có bước phát triển đáng kể, đời sống của người dân về cơ bản được nâng cao, cải thiện rất nhiều. Chỉ cần đến nhà một người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, điều kiện giao thông cách trở sẽ cảm nhận được cuộc sống có nhiều thay đổi nếu như nhìn vào vật chất, thiết bị trong ngôi nhà của họ. Nhưng, đây chỉ là giai đoạn cộng đồng dân cư ĐBSCL vươn lên từ nghèo đến thoát nghèo, chứ chưa sung túc được.

Báo cáo nêu trên cũng đưa ra con số so sánh GDP của TP. HCM vào năm 1990 chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.

Mặc dù có lợi thế nằm ngay sát TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song dường như ĐBSCL không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này.

- Vậy theo ông, thách thức lớn nhất ở khu vực ĐBSCL hiện nay là gì?

Không phải cá nhân tôi cảm nhận về thách thức của khu vực ĐBSCL mà nó đã được thể hiện trong Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành vào năm 2017.

Chúng ta đều biết rằng Việt Nam được dự báo là 1 trong 5 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu, nước biển dâng, kịch bản xấu nhất là phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ thấp hơn mực nước biển.

Đây rõ ràng là thách thức lớn nhất, đòi hỏi phải tập trung mọi giải pháp, mà các giải pháp cần khẩn trương thực hiện là tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là phân vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả cho kết cấu hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là nhận thức để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chủ lực về nông nghiệp của cả nước.

Hiện nay, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, vì vậy cần được đầu tư xứng đáng.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta thường gặp phải, là khi vấn đề đã được nhìn nhận rõ, giải pháp đã đúng rồi, nhưng khâu thực hiện lại là một thách thức lớn. Tức là từ chủ trương, nghị quyết đến việc triển khai trong cuộc sống lại là một con đường dài, nhiều khi bị rẽ sang lối này lối khác, bị cắt khúc, nên tính hiệu quả không cao. Vấn đề này phải được khắc phục triệt để.

Vì vậy, thách thức lớn nhất của ĐBSCL hiện nay là đưa Nghị quyết 120 của Chính phủ vào cuộc sống.

Về một số vấn đề cụ thể trong thập niên qua, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng... là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.

Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

- Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km, khu vực ĐBSCL có 40km… Có nhiều ý kiến cho rằng có sự “lệch pha” đầu tư cao tốc Việt Nam khi ưu tiên xây dựng nhiều tuyến đường ở phía Bắc, còn chưa chú trọng ở khu vực ĐBSCL. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?

Thực tế này cũng đã được nhiều Đại biểu Quốc hội lên tiếng ở các diễn đàn khác nhau, đặc biệt là trên nghị trường và các ý kiến này đã được Chính phủ tiếp thu, thời gian gần đây đang triển khai quyết liệt để tạo đột phá về xây dựng hạ tầng cho khu vực ĐBSCL.

Việc đầu tư đường cao tốc giai đoạn vừa qua đang có sự lệch pha giữa các khu vực và ĐBSCL có vẻ như đang thiệt thòi. Nhưng nhìn ở góc độ kinh tế, chúng ta có thể lý giải được, bởi phần lớn các tuyến đường cao tốc đều được đầu tư theo hình thức BOT, các nhà đầu tư họ phải săn tìm các dự án có lợi.

Khu vực miền Bắc, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Bộ là nơi kinh tế phát triển, giao thương tấp nập, mật độ dân số cao và đô thị hoá rất nhanh, đây là những điều kiện để một dự án giao thông sớm thu hồi vốn. Khu vực TP. HCM và Đông Nam Bộ cũng vậy. Nhưng ĐBSCL thì khác, nhu cầu, khát vọng phát triển giao thông thì rất lớn, nhưng lại không dễ để thu hút các dự án BOT vào đây do bài toán kinh tế khó cân đối.

Tất nhiên, ở tầm quốc gia Chính phủ đã có quy hoạch, có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL và phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện. Với vị trí, vai trò của ĐBSCL như tôi đã nêu trên, việc Chính phủ dành các nguồn vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông của khu vực là việc cần được ưu tiên.

- Là “người trong cuộc” ông có kiến nghị giải pháp nào để ĐBSCL bứt phá hơn nữa?

Các giải pháp Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 120 là hoàn toàn đúng rồi, như tôi đã nói trên, vấn đề bây giờ là phải bố trí đủ các nguồn lực để triển khai bằng được. Tôi cho rằng, giải pháp để bứt phá là con người, là lựa chọn được những người lãnh đạo tài giỏi, tâm huyết, đứng mũi chịu sào để hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra.

"Kỳ vọng những thách thức lớn của khu vực ĐBSCL có thể được hoá giải cơ bản trong một thập niên tới, giúp người dân yên tâm cư trụ trên mảnh đất cha ông mình đã chọn và trù phú không phải là giấc mơ", TS Trần Khắc Tâm bày tỏ

- Trong thập kỷ phát triển mới của đất nước, ông kỳ vọng gì về vùng kinh tế ĐBSCL?

ĐBSCL bước sang năm 2021 với một tin vui là thành lập TP. Phú Quốc – thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Tôi rất hy vọng vào sự bứt phá của Phú Quốc, nơi không những trở thành trung tâm du lịch, giải trí mà còn có thể trở thành trung tâm tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài. Các tuyến đường cao tốc kết nối với Đông Nam Bộ, các hải cảng đang được đầu tư mạnh mẽ cũng sẽ tạo nên diện mạo mới cho ĐBSCL trong 5 - 10 năm nữa.

Tôi rất tâm đắc với báo cáo của VCCI rằng nhu cầu đầu tư quan trọng nhất ở ĐBSCL là phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường cao tốc, đường tỉnh lộ), hỗ trợ đổi mới mô thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp và thích nghi với biến đổi khí hậu, và chế biến sản phẩm nông - thủy sản.

Nhìn về tương lai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới sẽ tiếp tục là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nền nông nghiệp vùng ĐBSCL. Chính phủ đã nhận thức được rằng các nguy cơ này không chỉ là nguy cơ cục bộ của ĐBSCL mà là nguy cơ của toàn vùng Nam Bộ và rộng hơn là của cả quốc gia để từ đó có những chiến lược và đối sách kịp thời và đúng mức.

Tôi kỳ vọng Chính phủ có giải pháp tốt để bố trí nguồn lực để thực hiện các kế hoạch đầu tư cho vùng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy tỷ trọng đầu tư cho vùng ĐBSCL trong hai giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 18% của cả nước. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư của vùng lên tới 45.000 tỷ đồng, song ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 1/2 trong số này.

Nếu có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch, mục tiêu đã được đề ra, chúng ta có thể kỳ vọng rằng những thách thức lớn của khu vực ĐBSCL có thể được hoá giải cơ bản trong một thập niên tới, giúp người dân ĐBSCL yên tâm cư trụ trên mảnh đất cha ông mình đã chọn và trù phú không phải là giấc mơ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên