Tài chính

Tự doanh 'nhấn chìm' lợi nhuận công ty chứng khoán

(VNF) - Hoạt động tự doanh là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình trạng sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trong quý II/2022.

Tự doanh 'nhấn chìm' lợi nhuận công ty chứng khoán

Nhiều công ty chứng khoán đang rơi vào tình trạng thua lỗ

Công ty chứng khoán lao dốc theo thị trường

Sau thời kỳ bội thu nhờ thị trường chứng khoán thăng hoa thì sang đến quý II/2022, bức tranh doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán đã trở nên kém sắc, thậm chí hàng loạt cái tên lớn, nhỏ trong ngành báo lỗ.

Điểm qua một vài công ty chứng khoán có mức độ sụt giảm lớn về lợi nhuận. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, HNX: BVS) cho biết lợi nhuận trước thuế trong quý II giảm đến 82%, ghi nhận 19,5 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của BVSC (theo quý) trong vòng 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân theo công ty chứng khoán này giải trình là mảng tự doanh không thuận lợi do diễn biến kém khả quan trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó, tổng doanh thu hoạt động giảm 32%, trong đó doanh thu các mảng như môi giới, bảo lãnh, đai lý phát hành giảm đáng kể từ 41% đến 70% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 17%, cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy lợi nhuận của BVSC giảm sâu.

Với mức lợi nhuận trước thuế quý II giảm tới 90%, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco, HoSE: AGR) cũng tô thêm gam màu tối trong bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ chỉ ghi nhận vỏn vẹn 26 tỷ đồng. Ngoài việc tổng doanh thu hoạt động giảm 5% vì hoạt động môi giới, tự doanh kém sắc, nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của Agriseco là do không còn các khoản thu nhập khác đột biến như cùng kỳ, trong khi đó tổng chi phí gia tăng do không còn được hoàn nhập dự phòng.

Góp tên trong nhóm sụt giảm sâu, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 giảm tới 87%. So với mức lợi nhuận hơn trăm tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 thì quý II chỉ đạt hơn 24 tỷ đồng. Tác nhân chính gây ra sự sụt giảm này là doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và hoạt động tự doanh giảm trong bối cảnh thị trường cổ phiếu và trái phiếu diễn biến không thuận lợi. Doanh thu hoạt động quý II của VCBS giảm 38% so với cùng kỳ trong khi nhiều loại chi phí ghi nhận mức tăng tới 89%.

Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, nhiều công ty chứng khoán còn thua lỗ. Hàng loạt công ty quy mô từ nhỏ tới lớn đã báo lỗ kỷ lục. Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) dẫn đầu với mức lỗ trước thuế hơn 441 tỷ đồng trong quý II. Ba cái tên quen thuộc đối với các nhà đầu tư chứng khoán là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cũng rơi vào nhóm thua lỗ, lần lượt lỗ trước thuế 372 tỷ đồng, 268 tỷ đồng và 198 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt công ty chứng khoán khác như Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPBS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh (BMSC), Công ty Cổ phần Chứng khoán Funan (PNS),… cũng chịu cảnh thua lỗ từ trên 50 tỷ đồng đến hơn trăm tỷ đồng trong quý II/2022.

Tuy nhiên, nhóm các công ty đầu ngành vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tương đối ổn, thậm chí có tăng trưởng nhẹ. Đáng nói trước tiên là Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect với lợi nhuận trước thuế quý II đạt hơn 561 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Công ty này cho biết kết quả kinh doanh trong kỳ dù chịu ảnh hưởng chung bởi xu hướng giảm mạnh của thị trường, nhưng nhờ khả năng kiểm soát và thích nghi tốt với các biến động thị trường, công ty vẫn đạt được tăng trưởng ở cả doanh thu và lợi nhuận. Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS và Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng là 2 đơn vị hiếm hoi có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của VPS đạt 281 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng ở mức 41%; Mirae Asset báo lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt hơn 239 tỷ đồng.

Quán quân về lợi nhuận trong quý II/2022 vẫn là cái tên quen thuộc: Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Không còn ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ đồng, TCBS dù vẫn có tăng trưởng doanh thu nhưng chi phí đồng thời neo ở mức cao đã làm lợi nhuận trước thuế giảm 17% so với cùng kỳ, đạt 831 tỷ đồng trong quý II. “Ông lớn” Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cán mốc lợi nhuận ở vị trí thứ 3 thị trường với số trước thuế hơn 522 tỷ đồng, giảm gần 29% so với mức thực hiện cùng kỳ và thấp hơn VNDirect.

Tự doanh lỗ hàng trăm tỷ đồng

Trong bối cảnh diễn biến thị trường không thuận lợi, nhiều công ty chứng khoán đã lỗ hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động tự doanh. SHS là một ví dụ điển hình. Công ty chứng khoán này cho biết mảng đầu tư lỗ hơn 433 tỷ đồng do đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Trong quý II, SHS đã bán ra hơn 18,7 triệu cổ phiếu niêm yết và mức lỗ phải chịu là hơn 45 tỷ đồng. Giá trị các tài sản tài chính AFS của công ty chứng khoán này giảm mạnh như khoản đầu tư vào cổ phiếu TCB giảm hơn 72 tỷ đồng, đầu tư vào cổ phiêu GEX giảm hơn 91 tỷ đồng, vào cổ phiếu TCD giảm hơn 100 tỷ đồng.

VDSC cũng phải ghi nhận khoản lỗ không nhỏ từ việc tự đầu tư chứng khoán. Nếu như cùng kỳ năm 2021, khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 146 tỷ đồng, thì giá trị trong quý II/2022 là âm 19,7 tỷ đồng. Trừ đi phần lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và chi phí tự doanh, VDSC lỗ tự doanh 299 tỷ đồng trong quý II. Tính đến ngày 30/6/2022, danh mục cổ phiếu mà công ty chứng khoán này nắm giữ bao gồm cổ phiếu DBC (lỗ hơn 64 tỷ đồng), cổ phiếu TCB (lỗ hơn 34 tỷ đồng), cổ phiếu CTG (lỗ hơn 26 tỷ đồng).

Một trường hợp khác là TPBS. Theo đó, doanh thu hoạt động của TPBS tăng mạnh gấp 2,25 lần cùng kỳ, đạt hơn 662 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động tự doanh lỗ gần 250 tỷ đồng cùng với các chi phí khác đã kéo công ty chứng khoán này vào nhóm thua lỗ trong quý II. Theo báo cáo tài chính, TPBS đã cắt lỗ nhiều cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, do đó phải hạch toán lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) là hơn 527 tỷ đồng trong quý II. Cụ thể, công ty này đã cắt lỗ loạt cổ phiếu bao gồm SSI và các cổ phiếu niêm yết khác, bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết và chịu lỗ hơn 280 tỷ đồng trong kỳ.

Một số công ty chứng khoán khác cũng phải ghi nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng từ tự doanh là ACBS (lỗ gần 258 tỷ đồng), BMSC (lỗ 160 tỷ đồng), APEC (lỗ 474 tỷ đồng)…

Theo nhận định của Trung tâm phân tích SSI, các hoạt động của công ty chứng khoán như môi giới, cho vay ký quỹ, IB và tự doanh đều sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong nửa cuối năm 2022, nhưng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
 

Tin mới lên